(CMO) Công tác đào tạo, giải quyết việc làm tại huyện Ngọc Hiển hiện đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo đó, trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất của đơn vị Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp hiện đã xuống cấp, lạc hậu, một số nghề được đầu tư thiết bị từ năm 2007 nhưng không sử dụng. Việc thu hút học viên và mở các lớp đào tạo ngày càng gặp khó khăn. Chất lượng lao động còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông ngoài tỉnh hoặc lao động sản xuất nông nghiệp tại gia đình. Các lớp đào tạo mở với thời gian ngắn từ dưới đến 3 tháng, nên chất lượng, trình độ đào tạo hạn chế. Sự kết nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người lao động là hạn chế...
Đó là những thông tin được tập trung thảo luận tại buổi làm việc của đoàn giám sát HĐND tỉnh do Ban Văn hoá – Xã hội chủ trì trong chuyến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật việc làm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển ngày 5/6.
Ngọc Hiển hiện có trên 56.000 lao động trong độ tuổi, kết quả giải quyết việc làm tăng thêm từ năm 2015 đến nay đạt trên 13.000 lao động, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 3.500 lao động. Huyện đã triển khai được 16/19 nghề để đào tạo cho lao động nông thôn cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Cà Mau giám sát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Ngọc Hiển. |
Theo ông Nguyễn Văn Lệnh, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hiển, thì địa phương đang gặp nhiều khó khăn: “Cơ sở vật chất, công nghệ và thiết bị giảng dạy lạc hậu nên khả năng ứng dụng thấp. Vấn đề giải quyết việc làm tại chỗ, nhất là ở lĩnh vực phi nông nghiệp là rất hạn chế”. Việc tạo thêm việc làm mới chủ yếu từ ngoài tỉnh.
Riêng kết quả đào tạo nghề theo Quyết định 1956 là hơn 3.000 người, trong đó có 365 người được đào tạo dưới 3 tháng. Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại đánh giá: “Thời gian đào tạo như vậy là quá ngắn, chưa đảm bảo. Người lao động địa phương khi tham gia thị trường lao động ngoài tỉnh thường không đáp ứng được yêu cầu của các xí nghiệp, công ty. Tại địa phương, hệ thống doanh nghiệp tuy có tăng về số lượng nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, khả năng giải quyết việc làm hạn chế”. Đề xuất của huyện Ngọc Hiển là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chuyên môn làm công tác đào tạo, giải quyết việc làm; đầu tư về hạ tầng cơ sở và công nghệ để phù hợp với nhu cầu đào tạo.
Qua khảo sát thực tế, đoàn công tác lưu ý huyện Ngọc Hiển việc một số trang thiết bị còn “đắp chiếu” và cần phải có biện pháp giải quyết. Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Huyện đề xuất chung chung là rất khó, bởi phải đánh giá, phân tích và thu thập thông tin chính xác về thị trường lao động, nhu cầu của người học. Phải mạnh dạn xem xét ngành nghề nào phát huy hiệu quả, ngành nghề nào hạn chế, từ đó tổ chức đào tạo phù hợp”. Việc sử dụng kinh phí cho đào tạo và giải quyết việc làm cần đúng quy định, phát huy được hiệu quả, tránh trường hợp thất thoát, lãng phí.
Chủ trì buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, đánh giá: “Khó khăn của huyện Ngọc Hiển là khó khăn chung của hầu hết địa phương, nhất là về vấn đề nâng cao chất lượng lao động. Các số liệu báo cáo của huyện còn chưa thật sự cụ thể, chưa cho thấy được những khó khăn mà huyện đang đối mặt. Quan trọng nhất, việc kết nối, tìm hiểu thị trường, hỗ trợ sau đào tạo nghề của địa phương còn chưa thật sự hiệu quả”.
Nhiều ý kiến của các thành viên trong đoàn giám sát đều nhận định, huyện Ngọc Hiển nên tiến hành khảo sát, nắm bắt hệ thống doanh nghiệp, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại chỗ; nghiên cứu và đánh giá từng nhóm đối tượng lao động để có phương án đào tạo chuyên sâu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi tham gia thị trường lao động, xa hơn là tạo ra những kênh kết nối, giới thiệu người lao động với thị trường lao động ngoài tỉnh và nước ngoài./.
Quốc Rin