Các ngành chức năng, đơn vị, địa phương tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những khó khăn hạn chế hiện nay nhằm thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới. Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ngày 9/5.
Cuộc họp nhằm rà soát và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để làm việc với Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu lần thứ 5 sắp tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, công tác chống khai thác IUU không chỉ là đáp ứng các yêu cầu, quy định của Uỷ ban châu Âu (EC) mà còn là nỗ lực của tỉnh trong việc quản lý, khai thác thuỷ sản mang tính bền vững. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác này.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đặt ra nhiều khó khăn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu vấn đề quản lý đội tàu. Theo đó, tàu cá còn hạn giấy phép khai thác là 3.080/4.075 tàu cá được cấp giấy phép, đạt 75,58%. Còn lại 995 tàu cá đã hết hạn giấy phép khai thác, chiếm 24,42%. Hiện đơn vị đang khẩn trương phối hợp với địa phương và các chủ tàu hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến lên hệ thống một cửa của tỉnh theo hạn ngạch mới (Quyết định số 1037/QĐ-BNN-TS ngày 11/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Số lượng tàu cá thuộc diện đăng kiểm là 2.952 tàu. Trong đó, có 2.458/2.952 tàu cá còn hạn đăng kiểm, đạt 83,27%; 494 tàu cá hết hạn đăng kiểm, chiếm 16,73%. Việc số hoá hồ sơ đăng kiểm trễ hạn thời gian qua chưa có chủ trương và hướng dẫn thực hiện, tàu cá hết hạn đăng kiểm không thuộc hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Hơn nữa, tàu cá hết hạn đăng kiểm luôn biến động theo từng ngày, nên việc số hoá tàu cá hết hạn đăng kiểm phải làm liên tục, do đó địa phương không đủ nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện.
Toàn tỉnh có 441 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Hiện các tàu cá trên được địa phương quản lý chặt và đưa lên hồ sơ số hoá. Các địa phương phối hợp với các trạm biên phòng quản lý chặt, không cho tàu ra biển hoạt động.
Công tác quản lý tàu cá mất kết nối vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng, dẫn đến chưa đảm bảo công tác quản lý tàu cá và con người ra vào cửa biển. Hệ thống truy xuất nguồn gốc thuỷ sản điện tử (eCDT VN) vẫn còn nhiều khó khăn do chưa đồng bộ trong hệ thống.
Một số địa phương còn lơ là trong công tác chỉ đạo việc số hoá đối với nhóm tàu mất kết nối nằm bờ trên 10 ngày, tàu cá “3 không”, tàu hết hạn giấy phép… dẫn đến chậm chụp hình ảnh đưa lên số hoá, làm cam kết, thông báo không đúng mẫu. Việc số hoá trễ hạn đăng kiểm tàu cá chưa thực hiện do chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp thẩm quyền.
Tại hội nghị, ngành nông nghiệp đề xuất: Đối với tàu cá hết hạn giấy phép, hết hạn đăng kiểm, tăng cường công tác chỉ đạo để đảm bảo đẩy nhanh việc cấp phép, gia hạn đăng kiểm (do hiện tại cấp phép và đăng kiểm được thực hiện nộp hồ sơ qua bộ phận một cửa). Về phía địa phương, cần tăng cường giám sát, số hoá theo quy định. Trạm kiểm soát biên phòng kiểm soát chặt chẽ ra vào với nhóm tàu này.
Đối với nhóm tàu cá mất kết nối: nhóm tàu cá mất kết nối ngoài khơi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các trạm, đồn biên phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xác minh, xử lý vi phạm theo quy định; đối với nhóm tàu mất kết nối trong bờ, UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị địa phương (cấp xã) thực hiện công tác giám sát và số hoá theo quy định.
Đối với nhóm tàu “3 không”, UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị địa phương (cấp xã) trước mắt thực hiện công tác giám sát và số hoá theo quy định, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thuỷ sản) thực hiện công tác đăng ký cấp phép, đăng kiểm theo quy định tại Thông tư 06/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Đại biểu dự hội nghị đã nêu lên nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, chống khai thác IUU.
Các đại biểu còn nêu lên những khó khăn, hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác quản lý, chống khai thác IUU của ngành, địa phương thời gian qua như: việc quản lý tàu cá đăng ký, đăng kiểm, tàu “không số”, công tác quản lý tàu cá sang bán nhưng chưa sang tên vẫn còn xảy ra và rất khó quản lý (sang tay qua nhiều chủ nhưng chỉ có giấy hợp đồng ký tay), công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác cũng như vấn đề tàu bị mất kết nối nằm bờ…
Toàn tỉnh có 2.952 tàu cá thuộc diện đăng kiểm, trong số này có 494 tàu đã hết hạn đăng kiểm. (Ảnh minh họa, chụp tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời)
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị các ngành, địa phương chức năng đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới. Riêng phầm mềm quản lý tàu cá, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan chức năng, Bộ đội Biên phòng đề xuất cụ thể giải pháp khắc phục./.
Đặng Duẩn