(CMO) Theo các quy định của Nghị quyết số 1210/2016/NQTVQH ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, để hoàn thành tiêu chí đô thị loại I, TP Cà Mau phải đạt mức tối thiểu của 5 tiêu chí và tổng số điểm đạt từ 75 điểm trở lên. Hiện nay, TP Cà Mau đạt 70,32 điểm của tiêu chí đô thị loại I.
TP Cà Mau đã và đang hướng đến là 1 trong 4 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. |
Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết: “Mục tiêu xây dựng TP Cà Mau trở thành đô thị loại I cần sự đồng lòng của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cà Mau. Thành phố xác định trở thành đô thị loại I vào năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm nhất”.
Ðược thành lập ngày 14/4/1999, với diện tích tự nhiên 24.580,33 ha và dân số 176.848 người, gồm 15 đơn vị hành chính (7 xã, 8 phường và 99 ấp, khóm), đến nay, TP Cà Mau có diện tích tự nhiên 24.922,86 ha, gồm 17 đơn vị hành chính (7 xã, 10 phường, 125 ấp, khóm).
Khi mới được công nhận thành phố vào năm 1999, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cà Mau đạt 10,78%, thu nhập bình quân đầu người chỉ 6,8 triệu đồng. Khi đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, văn hoá - xã hội tuy có phát triển nhưng thiếu đồng bộ. Hệ thống giao thông nội, ngoại thành; cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường; mạng lưới chợ, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, giáo dục và đào tạo, y tế, các điểm vui chơi giải trí... còn hạn chế. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn chồng chéo, hiệu quả thấp, xây dựng cơ bản có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; vốn đầu tư xây dựng còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; nếp sống văn minh đô thị, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư chưa cao...
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo ra nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển, thúc đẩy cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng. Ðến nay, kinh tế luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cao, riêng giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân 14%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 130,8 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,77 lần năm 2010. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại - dịch vụ bình quân đạt 17,04%/năm, năm 2020 tăng gấp 3,73 lần so năm 2010, chiếm 62,21% trong cơ cấu kinh tế thành phố.
Các loại hình dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn.... được mở rộng và phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất cũng như đời sống Nhân dân.
Một trong những điểm nổi bật của TP Cà Mau, qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, là kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ.
Ông Lê Tuấn Hải cho hay: “Thành phố hiện có 218 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 154 km, tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đạt 15% và bình quân đạt 15 m2/người; có 154 km đường được trải nhựa và bê-tông nhựa nóng, các trục đường chính đã và đang tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, địa phương đã xây dựng, nâng cấp cơ bản vỉa hè các tuyến đường trong nội ô; cầu, lộ nông thôn cơ bản được đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”.
Song song đó, Dự án Nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cà Mau là một trong những dự án có tác động sâu và rộng đến khu vực có thu nhập thấp, nâng cấp hạ tầng của các tuyến hẻm. Dự án với tổng mức đầu tư 1.204 tỷ đồng đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng 205 tuyến đường hẻm, với chiều dài gần 52 km; đầu tư xây dựng mới gần 3 km đường và kè ven sông; xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 14 điểm trường học; xây dựng mới 8 trụ sở sinh hoạt cộng đồng, 4 công viên cây xanh, 2 khu chợ... Hơn 76.000 người nghèo ở đô thị được hưởng lợi trực tiếp và hơn 155.000 người hưởng lợi gián tiếp từ dự án này.
Ðối với khu vực nông thôn, hiện nay, TP Cà Mau đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đối với 7/7 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1283/QÐ-TTg ngày 20/7/2021. Các trục lộ giao thông huyết mạch của xã, phường được kết nối vào tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Các trục đường liên huyện, các trục đường của thành phố đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội các phường ngoại ô, các xã vùng ven của thành phố phát triển.
“Trong bước hướng đến đô thị loại I vào năm 2025, thành phố đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, đang song hành thực hiện quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng phát triển thành phố là 1 trong 4 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL; với vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng dịch vụ dầu khí quốc gia, dịch vụ sinh thái và chế biến, chợ đầu mối thuỷ sản của vùng và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo của tỉnh”, ông Hải chia sẻ thêm.
Ngoài ra, theo kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Cà Mau, đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai thêm 16 dự án xây dựng khu đô thị mới với tổng diện tích sàn 2.542 m2. Ðây là nguồn lực đầu tư hết sức quan trọng góp phần hoàn thiện hạ tầng của thành phố.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, TP Cà Mau đang nỗ lực triển khai, huy động từ nhiều nguồn đầu tư vào hạ tầng để đạt tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị trong chuẩn đô thị loại 1. Ðây cũng là một trong những giải pháp để thành phố hoàn thiện cơ sở hạ tầng./.
Phong Phú