(CMO) Có thể khẳng định, việc tích cực tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc khám chữa bệnh và tích luỹ nhận lương hưu khi về già.
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với mức đóng BHXH tự nguyện tăng nên việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện Trần Văn Thời gặp không ít khó khăn. Theo đó, BHXH huyện đã tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Các cấp uỷ đảng, chính quyền nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, vận động người dân tích cực tham gia.
Với suy nghĩ có khoản lương hưu để giảm gánh nặng cho con cháu sau này, vợ chồng bà Nguyễn Hồng Sa, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, tham gia BHXH tự nguyện cho cả gia đình với 5 thành viên. Mỗi quý, bà đóng hơn 5 triệu đồng cho 5 cuốn sổ BHXH tự nguyện và khoảng 2 triệu đồng tiền BHYT hộ gia đình/năm.
Bà Sa chia sẻ, sổ BHXH tự nguyện là của để dành về lâu về dài, sau này vừa có lương hưu để đỡ gánh nặng cho con cháu, vừa có BHYT miễn phí. Việc duy trì mua BHYT hộ gia đình, nếu mình không sử dụng thì cũng là góp phần để quỹ bảo hiểm hỗ trợ những hoàn cảnh bệnh tật khác.
“Ðâu ai mong muốn mình hay người thân bị bệnh, nhưng nếu không may bệnh tật mà không có BHYT thì khổ lắm”, bà Sa khẳng định.
Sau khi được tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Giao Vàm, xã Lợi An, đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng. Bà Phượng cho biết, trước chỉ nghe cán bộ Nhà nước về hưu mới có lương hưu, giờ nông dân khi tham gia BHXH tự nguyện đủ thời gian cũng có lương hưu, nên sau khi bàn bạc, vợ chồng bà đã tham gia với mức đóng gần 2 triệu đồng/quý. Với BHYT, gia đình bà Phượng tham gia đầy đủ từ nhiều năm nay.
"Với điều kiện sống vùng nông thôn, để có thể có các khoản tiền này, vợ chồng tôi chọn tiết kiệm hàng ngày theo kiểu bỏ ống heo. Ðến khi thu hoạch lúa, tôm thì bỏ ống tiết kiệm nhiều hơn. Cứ tích luỹ như vậy để sau này giảm được gánh nặng cho con cháu”, bà Phượng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phượng tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn có lương hưu và BHYT miễn phí khi về già. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Giao Vàm, khẳng định, qua công tác tuyên truyền, vận động của ngành bảo hiểm, của các ngành, đoàn thể ở địa phương đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân. Ðây là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện đạt chỉ tiêu BHXH tự nguyện xã giao, cũng như nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
Theo ông Trà Trung Hằng, Phó giám đốc BHXH huyện Trần Văn Thời, BHXH huyện phối hợp địa phương tập trung tuyên truyền theo địa bàn dân cư, theo từng nhóm, từng hộ gia đình với mục tiêu giúp người dân hiểu rằng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là các chính sách an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước nhằm đảm bảo mọi người dân đều được chăm lo với ý nghĩa nhân văn không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Mục tiêu kép của chính sách BHXH mang lại chính là thể hiện giá trị vật chất của việc hưởng lương hưu hàng tháng và thẻ BHYT miễn phí; giá trị tinh thần là giúp người dân an tâm khi giảm được phần gánh nặng cho con cháu khi về già. Từ đó, BHXH huyện chỉ đạo các đại lý thu hướng dẫn quy trình, thủ tục tham gia, mức đóng, phương thức đóng... giúp người dân hiểu, tham gia một cách dễ dàng nhất”, ông Trà Trung Hằng cho biết thêm.
Với những giá trị nhân văn BHXH mang lại sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chính sách đúng, dân đồng thuận sẽ là tiền đề vững chắc để đạt được hiệu quả, mục tiêu là tất cả mọi người đều có lương hưu và được chăm sóc sức khoẻ khi về già./.
Thanh Phương