Trường Tiểu học I, thị trấn Năm Căn đang trong quá trình nâng cấp, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ II. (Trong ảnh: Giờ giải lao ở Thư viện xanh của học sinh Trường Tiểu học I, thị trấn Năm Căn).
Với ngành giáo dục Năm Căn, thời gian qua, học và làm theo Bác đã được chuyển hoá một cách cụ thể, thực tế và thiết thực. Không lý thuyết suông, cầu kỳ, cao siêu; không hô hào hình thức, giáo dục Năm Căn đã trưởng thành từ nhận thức sâu sắc rằng: Mỗi thầy cô, mỗi trường cần phải suy nghĩ và hành động vì học sinh thân yêu, vì tương lai của quê hương.
Cái gì có lợi thì làm
Giáo dục Năm Căn 4 năm từ khi thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt mức 54,54% (18/33 trường, đứng đầu toàn tỉnh). Ðội ngũ cán bộ, giáo viên theo khảo sát mới nhất là “không thiếu và không thừa”. Tập thể ngành giáo dục của huyện vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh về kết quả trong việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; Báo cáo điển hình khu vực ÐBSCL về chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm Căn trở thành điểm sáng, lá cờ đầu trong lĩnh vực giáo dục của Cà Mau.
Kiểm tra công tác nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn, tiến tới công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. |
Trưởng Phòng Giáo dục huyện Năm Căn Lê Văn Ðức cho biết: “Chúng tôi xác định, học Bác là phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể, có tác động vào thực tiễn. Mỗi thầy, cô vì thế đều tự soi rọi lại mình, trước khi làm gì cũng suy nghĩ cẩn thận, thấu đáo, có lợi ích thì khó mấy cũng hoàn thành, có hại thì dù nhỏ cũng tránh”. Bởi thế, toàn ngành giáo dục Năm Căn không thực hiện Chỉ thị 03 theo kiểu rầm rộ, tất cả dồn vào việc nghiên cứu điều kiện sẵn có, tìm kiếm cách làm, hành động để trước hết mỗi cá nhân tốt lên, từ đó giúp đỡ người khác và đóng góp vào sự phát triển của tập thể.
Tất cả những trường mà học sinh, phụ huynh có yêu cầu, đặc biệt là với đối tượng học sinh yếu, kém, thầy, cô giáo sẵn sàng kèm cặp phụ đạo mà tuyệt đối không thu phí. Ông Ðức cho biết thêm: “Thực hiện việc gì trước tiên phải đúng với quy định, điều kế tiếp phải suy nghĩ vì lợi ích của học sinh. Chất lượng giáo dục của ngành ổn định có sự phấn đấu rất lớn của tất cả các trường”. Ở Năm Căn, người dân không lạ khi hình ảnh thầy giáo Dương Văn Thân (xã Hàm Rồng) ngày ngày đưa rước học sinh tới trường mà không bao giờ lấy tiền. Thầy Lý Thanh Tuấn, Trần Như Nghĩa (Trường Tiểu học 2 thị trấn Năm Căn) nhận cưu mang học trò mồ côi của mình cả tinh thần và vật chất.
Ðời sống của một bộ phận người dân huyện Năm Căn vẫn còn nhiều nơi khó khăn, ngành giáo dục luôn lấy tư tưởng nhân văn “một nắm khi đói…” để cùng san sẻ với cộng đồng. Qua 4 năm, từ đóng góp của tập thể, hơn 100 triệu đồng đã được chuyển tới hộ nghèo, hộ dân tộc để ổn định chỗ ở; 55 triệu đồng để bà con nghèo có điều kiện đón Tết và có vốn chăn nuôi. Ngành cũng nhận phụng dưỡng mẹ liệt sĩ ở xã Lâm Hải với số tiền 300.000 đồng/tháng. Ông Ðức thông tin thêm: “Ðóng góp khiêm tốn của chúng tôi cùng góp phần với địa phương tháo gỡ khó khăn. Cũng từ những việc làm nhỏ này, chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ và niềm tin mà người dân dành cho những thầy, cô giáo. Nói gì thì nói, muốn thành công phải được Nhân dân tin yêu”.
Chuyển biến của ngành giáo dục đã được thể hiện rõ nét, ông Ðức khẳng định: “Chúng tôi đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ, giáo viên qua công việc, đạo đức lối sống, vì vậy ai không ý thức thì sẽ bị đào thải. Tình hình mới không thể chấp nhận một bộ máy cồng kềnh, thiếu sức chiến đấu”. Tỷ lệ đảng viên trong trường học của địa phương đạt 51,6% (418/840) và đứng đầu toàn ngành giáo dục Cà Mau.
Chống lãng phí
Ông Lê Văn Ðức khẳng định: “Thành tích đạt được là phấn khởi, song chúng tôi vẫn chưa thể bằng lòng. Học tập và làm theo Bác là một hành trình, lĩnh vực giáo dục Năm Căn cần nỗ lực không ngừng. Ngành chẳng có bí quyết hay cách làm giản lược nào, chỉ có nhiệt tâm cống hiến, đạo đức người thầy, trí tuệ và sức mạnh tập thể mới mong trưởng thành thật sự”. Trong khó khăn, giáo dục Năm Căn đưa việc tiết kiệm, chống lãng phí lên hàng đầu. Tiết kiệm đầu tiên là từ nhận thức, cán bộ, giáo viên nếu không lấy trách nhiệm - đạo đức nghề nghiệp làm động lực phấn đấu, tư tưởng buông trôi nhất định sẽ bị đào thải. Tiết kiệm từ hệ thống trường lớp, mà cụ thể là việc xoá các điểm lẻ. Ông Ðức bộc bạch: “Nhiều nơi xoá điểm lẻ là người dân lại phản ứng dữ dội, rồi cứ thế tồn tại trong điều kiện thiếu thốn, nhếch nhác”.
Bằng việc liên hệ với địa phương, các ngành, đoàn thể, ngành giáo dục đã ngồi lại với bà con, cùng nhau trao đổi những cái được và cái mất khi giải thể điểm lẻ. Vậy rồi ai cũng thấy, nếu tập trung thì trường lớp sẽ khang trang, con em mình có điều kiện học tập tốt hơn, có khó khăn thì nhà trường sẵn sàng hỗ trợ. Sự đồng thuận này đã giúp 4 điểm lẻ “ốc đảo” giờ đã ổn định tại các điểm trường chính đạt chuẩn. Trong năm 2015, Năm Căn sẽ về đích và là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn 70%.
Năm học mới cận kề, ông Ðức cho biết: “Mọi công tác chuẩn bị đều đã hoàn tất. Năm nay, ngành sẽ cố gắng hoàn thành 3 căn nhà công vụ tại xã Tam Giang Ðông, giúp giáo viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm công tác. Huyện cũng đã dự nguồn kinh phí 3 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất. Công tác tuyển sinh đảm bảo nguồn, kế hoạch và quy định. Tinh thần thầy, cô giáo đang rất ổn định, phấn khởi. Chúng tôi luôn tìm thấy cách giải quyết khi mọi công việc đều dân chủ, hợp tình, hợp lý và hợp lòng Nhân dân”. Ngay trong hè, ngành giáo dục lại tất bật với công tác kiểm tra, khảo sát việc nâng cấp, xây dựng Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên