Thầy Trần Ngọc Liêu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội trao giấy khen cho các tân cử nhân đạt loại giỏi.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác đào tạo đội ngũ những người làm báo. Thành công của các cuộc đấu tranh cách mạng, kháng chiến, bảo vệ và xây dựng đất nước đều có sự góp mặt của các nhà báo - chiến sĩ. Công cuộc đổi mới và công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước càng đòi hỏi chúng ta có đội ngũ cán bộ báo chí được đào tạo bài bản, hiện đại, chuyên sâu về tri thức, nghiệp vụ và năng lực tác nghiệp quốc tế.
Những năm 1990 trở về trước, với dân số trên 65 triệu người, hơn 300 cơ quan báo chí, nước ta chỉ có 1 cơ sở đào tạo báo chí là Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Trong thực tế, nhiều nhà báo giỏi, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản lại được đào tạo từ những ngành nghề như: Văn học, Lịch sử, Ngôn ngữ… và cả những ngành khoa học tự nhiên khác. Ðứng trước nhu cầu đào tạo bức thiết đó, Khoa Báo chí, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội - nay là Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội - được thành lập năm 1990, đến nay vừa tròn 25 năm.
Quang cảnh buổi lễ tốt nghiệp, trao bằng cho lớp Đại học Báo chí mở tại Cà Mau của Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển, Khoa trở thành địa chỉ hàng đầu, tin cậy trong nghiên cứu và đào tạo đội ngũ những người làm báo. Khoa đã đào tạo hơn 10.000 cử nhân chính quy và phi chính quy, cùng hơn 500 thạc sĩ, tiến sĩ, phục vụ hiệu quả nền báo chí Việt Nam và ngành công nghiệp truyền thông nước nhà.
Trong vai trò là chi hội trực thuộc quản lý trực tiếp của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Khoa Báo chí và Truyền thông cũng là thành tố tích cực tham gia các hoạt động của Hội, nhất là những hoạt động có tính đặc thù. Nhiều lượt giảng viên của Khoa đã tham gia tích cực vào các lớp học nghiệp vụ, lớp ngắn hạn quốc tế do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với vai trò là giảng viên, trợ giảng, học viên. Gần đây, Khoa cũng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng và tổ chức các hội thảo quốc tế, phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về văn hoá truyền thông...
Khoa Báo chí và Truyền thông cũng là một trong những đơn vị tích cực phối hợp với hội, chi hội nhà báo các tỉnh, thành phố tổ chức các khoá đào tạo dài hạn và ngắn hạn hiệu quả. Năm 2011, Khoa cùng Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức lớp đại học ngành báo chí. Lớp học này tốt nghiệp năm 2015 với tỷ lệ 100% học viên, trong đó nhiều học viên đạt thành tích học tập giỏi.
Thầy Trần Ngọc Liêu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội trao giấy khen cho các tân cử nhân đạt loại giỏi. Ảnh: K.P |
Năm 2013, Khoa phối hợp với Hội Nhà báo TP Hải Phòng, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại mỗi địa phương một lớp văn bằng 2, dành cho đối tượng là các phóng viên, biên tập viên đã có một bằng đại học. Hoạt động đào tạo tại các địa phương của Khoa từ miền núi phía Bắc, đến miền Trung, miền Nam và Tây Nam Bộ đã góp phần quan trọng cùng hoạt động đào tạo tại toà soạn nâng cao năng lực tác nghiệp báo chí của cán bộ, phóng viên trên mọi miền Tổ quốc.
Với lợi thế là một Khoa nằm trong trường đại học hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của đất nước, sinh viên tại đây được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu về các ngành tri thức nền tảng xã hội như: Triết học, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Tâm lý học, Chính trị học… Khối kiến thức này giúp sinh viên báo chí sau khi ra trường có năng lực tổng quan về xã hội, những vận động và mối liên hệ mật thiết giữa các lĩnh vực của đời sống. Trên cơ sở đó, khi trở thành những phóng viên, biên tập viên tác nghiệp tại các toà soạn, đài phát thanh, truyền hình, đội ngũ này luôn có cách nhìn sâu rộng về những mảng đề tài mới, nóng của một xã hội đang chuyển biến mạnh mẽ như Việt Nam. Ðồng thời, họ cũng luôn có tư duy lãnh đạo, tổ chức, quản lý nhóm phóng viên tác nghiệp hiệu quả. Thực tế minh chứng là nhiều sinh viên, học viên đã nhanh chóng trưởng thành, phát triển, tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí, nhiều đồng chí hiện nay là phó ban, trưởng ban chuyên môn, thư ký toà soạn, phó tổng biên tập, tổng biên tập các đơn vị báo chí Trung ương và địa phương.
Trong hoạt động đào tạo gắn bó giữa lý luận với thực tiễn, giữa lý thuyết với thực hành, Khoa Báo chí và Truyền thông luôn nỗ lực điều chỉnh khung chương trình đào tạo, tăng cường tính thực tiễn, định hướng thực hành, tác nghiệp ngay trong từng môn học. Nhiều hướng nghiên cứu của Khoa đã bắt nhịp với hoạt động thực tiễn và xu thế phát triển của truyền thông hiện đại, như truyền thông internet, kỹ năng viết cho báo trực tuyến, PR (truyền thông quan hệ công chúng), báo chí trên các phương tiện di động… Với xu thế đào tạo đó, Khoa và Trung tâm Nghiệp vụ báo chí truyền thông được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai một dự án lớn với tổng nguồn vốn 60 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở thực hành các loại hình báo chí: truyền hình, phát thanh, báo điện tử, ảnh báo chí…
PGS-TS Nguyễn Văn Kim (bên phải, hàng trên), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, trao bằng cử nhân Báo chí cho sinh viên. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh toàn cầu hoá báo chí và xu thế hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo ngành báo chí, Khoa cũng là một trong những đơn vị năng động, chủ động của Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trên lĩnh vực này. Khởi đầu là những lớp học 2+2 với Ðại học Quảng Tây (Trung Quốc), hiện nay, Khoa đã triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị truyền thông với Ðại học Stirling (Anh quốc) và tuyển sinh khoá đầu tiên năm 2015. Nhiều lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên của Khoa cũng tích cực tham gia các chương trình giao lưu học giả, hội thảo, tham gia học tiến sĩ tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Thuỵ Ðiển, Australia, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…
Vững bước trên con đường nghiên cứu và đào tạo 25 năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội đã có tiền đề để trưởng thành hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, nhằm đáp ứng nhiệm vụ đào tạo người làm báo Việt Nam phục vụ công cuộc dựng xây đất nước trong thời kỳ hiện đại./.
Nguyễn Bé, Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau