ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:20:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khoanh nợ, xoá nợ cho người nộp thuế

Báo Cà Mau (CMO) Đó là những nội dung quan trọng được ban hành trong Nghị quyết số 94/2019/QH14, được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, để xử lý nợ đối với những đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN), tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng cũng như không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi.

Ghi nhận thực tế hoạt động chung về công tác quản lý thuế thời gian qua, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Khánh, cho biết, mặc dù cơ quan quản lý thuế đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ và thu hồi nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, tuy nhiên, có một số trường hợp người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc bị thiên tai, bất khả kháng, cơ quan thuế cũng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng NNT không còn khả năng nộp thuế cho Nhà nước.

Nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn đều đảm bảo nộp thuế đúng quy định.

Mặt khác, số nợ đọng này tồn tại kéo dài qua nhiều năm, số tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên theo thời gian (đến nay số nợ không còn khả năng nộp ngân sách cả nước chiếm gần 50% số tiền nợ thuế). Song, thực tế khoản nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu nhưng chưa có cơ chế để xử lý nợ.

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành lại không quy định việc khoanh nợ, việc thực hiện xoá nợ đối với 3 nhóm đối tượng trong luật phải đáp ứng điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Từ đó, dẫn đến có nhiều bất cập, không thể thực hiện được.

Bởi đối với các trường hợp NNT đã chết, đã mất tích, giải thể, phá sản, ngừng bỏ hoạt động kinh doanh, bị thu hồi giấy phép kinh doanh và các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng hoặc nợ thuế do chưa được Nhà nước thanh toán... không còn khả năng nộp NSNN nhưng vẫn phải tính tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp.

Do vậy, Nghị quyết số 94/2019/QH14 ra đời, không chỉ khoanh nợ, xoá nợ đối với những đối tượng không còn khả năng nộp NSNN mà còn tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng giai đoạn trước ngày 1/7/2020, để không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi được cũng như không còn đối tượng để thu hồi. Trong đó, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ cũng được quy định cụ thể, rõ ràng và đảm bảo trên 4 nguyên tắc. Trong đó, cơ quan thuế ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Cần phải đảm bảo công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và giám sát của người dân.

Nhưng trên hết, cơ quan thuế phải tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho NNT. Đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.

"Cơ quan thuế sẽ tiến hành khoanh nợ tiền thuế kể từ ngày 1/7/2020 và thực hiện xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 đối với các đối tượng được quy định và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 1/7/2020)", ông Nguyễn Quốc Khánh thông tin.

Tuy nhiên, để xoá được nợ, các đối tượng NNT phải đảm bảo các điều kiện theo quy định như: Có giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của toà án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật; có quyết định giải thể hoặc thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc NNT đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hoặc NNT đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc toà án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Ngoài ra, đối với NNT không còn hoạt động sản xuất kinh doanh và có biên bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở, hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế cũng thuộc đối tượng xoá nợ thuế theo quy định./.

Hồng Nhung