(CMO) 2 năm qua, mặc dù phải đối mặt với dịch Covid-19, nhưng hoạt động của các ban công tác Mặt trận ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã khơi dậy, phát huy tiềm năng của cộng đồng dân cư, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Là xã điển hình có nhiều mô hình hay “xoá trắng hộ nghèo”, ông Huỳnh Thanh Nhàn, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, nhiệm vụ xoá nghèo bền vững là nhiệm vụ chính, hàng đầu của cấp uỷ, chính quyền, của Mặt trận, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị.
“Năm 2021, xã Khánh Lộc có 10 hộ nghèo, chiếm 0,47%. Được sự chỉ đạo đối với hệ thống Mặt trận, chúng tôi phối hợp các tổ chức thành viên tăng cường triển khai thực hiện kế hoạch xoá trắng hộ nghèo trên địa bàn và thực hiện các chính sách cho người nghèo: vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện Đề án đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân... Kết quả, đến cuối năm 2021, 10 hộ nghèo trên địa bàn xã đã được xoá trắng”, ông Nhàn phấn khởi.
Vận động xây cất nhà ở là cách làm thiết thực giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp, thoát nghèo bền vững. (Trong ảnh: Lễ bàn giao nhà tình thương cho ông Huỳnh Văn Ngoan, ngụ ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc). |
Là một trong những hộ được hỗ trợ thoát nghèo thành công, bà Ngô Thị Nhồng, ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, cho biết, trước đây bà phải ở đậu, bị người ta đuổi, nên mướn đất ở và sống một mình. “Nhờ anh em, bà con cô bác, xã, huyện, ấp giúp đỡ về nhà ở, việc làm, tôi xin thoát nghèo luôn”, bà Nhồng tâm tình.
Do một bên mắt bà không thấy rõ, không thể làm thuê nên bà được hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo thoát nghèo. Hiện bà Nhồng đang nuôi 11 con heo đã 3 tháng tuổi, mỗi con nặng khoảng 90-100 kg. Đây là lứa thứ 3, mỗi lứa bán được hơn 30 triệu đồng, sau đó bà mua lại con giống, duy trì để ổn định kinh tế.
Tuy nhiên, đến cuối 2021, qua rà soát theo chuẩn mới, xã có 4 hộ rơi vào diện nghèo. Do vậy, đầu năm 2022 cấp uỷ, Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục vận động triển khai kế hoạch và đã xây dựng được 3 căn nhà, còn lại 1 căn đang kêu gọi giúp đỡ, đồng thời, thực hiện những chính sách giúp cho hộ nghèo tiếp cận để có điều kiện phấn đấu vươn lên, quyết tâm thoát nghèo bền vững, duy trì “xã xoá trắng hộ nghèo”.
Để cảm nhận rõ nét sự đổi thay ở vùng quê này, ông Nhàn mời chúng tôi dạo quanh các ấp. Những ngôi nhà kiên cố, cao tầng san sát. Đường ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, ấn tượng nhất là những "tuyến đường kiểu mẫu”.
Cắt tỉa hàng rào bông trang thẳng tắp, ông Nguyễn Phi Hùng, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, vui vẻ: “Ban công tác Mặt trận ấp đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng các tuyến đường hoa liên xóm, tạo cảnh quan theo tiêu chí nông thôn mới. Nhà đẹp, đường đẹp, cảnh quan ấp sáng bừng, minh chứng đời sống bà con khá giả hơn nên ai nấy đều phấn khởi”.
Hàng rào bông trang này đã được ông Nguyễn Phi Hùng chăm sóc hơn 4 năm, cùng với nhiều loại hoa kiểng khác, góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm.
Tại ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, Ban công tác Mặt trận đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, phát huy tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, phấn đấu xây dựng NTM.
Ông Trần Quốc Lớn, Phó bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, cho biết: “Toàn ấp có 367 hộ, chỉ còn 6 hộ nghèo, trong đó có 2 hộ nghèo của dân tộc thiểu số. So với thời điểm 2012-2020, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 3%, thì con số hiện nay đã minh chứng sự nỗ lực rất lớn của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể… Hiện mặt trận, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, phụ nữ… mỗi ngành đang phụ trách giúp đỡ 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Với phương châm hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, từ đầu năm 2022 đến nay, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục hướng dẫn MTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đẩy mạnh lao động, sản xuất để thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mô hình “Ấp, khóm, xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo, hộ cận nghèo”.
Kết quả, hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đăng ký giúp đỡ 894 hộ. Ngay sau khi đăng ký, Mặt trận các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các tổ chức thành viên cùng cấp tuyên truyền, vận động những hộ này nâng cao nhận thức ý nghĩa của công tác giảm nghèo, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, cây giống, con giống, hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu việc làm… nhằm giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Dương Thu Hiền, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: “Ban công tác Mặt trận ở cơ sở giữ vai trò rất quan trọng; luôn sâu sát quần chúng Nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở khu dân cư để phản ánh với cấp uỷ, chính quyền và MTTQ cấp trên. Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, động viên, tổ chức Nhân dân làm tốt nhiệm vụ giám sát hoạt động và đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”.
“Thời gian tới, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn MTTQ các cấp củng cố bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, hiểu dân, nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để các cuộc vận động, phong trào thi đua thực sự lan toả và mang lại hiệu quả tích cực”, bà Dương Thu Hiền khẳng định./.
Băng Thanh