(CMO) Ðầu tư công, nguồn vốn mang tính chất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thuỷ lợi, phát triển giáo dục, đào tạo… từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Khơi thông dòng chảy nguồn vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thiết thực góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Nguồn vốn đầu tư công nếu được giải ngân hiệu quả sẽ có tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Dù có vai trò rất quan trọng, nhưng trong nhiều năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công gặp rất nhiều khó khăn và những tháng đầu năm 2021 này cũng không ngoại lệ.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63, đoạn tuyến qua nội ô TP Cà Mau, có khối lượng giải ngân từ đầu dự án đến nay khoảng 261,1 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được ghi. |
Ðầu tư công, dễ mà khó
Theo nhận định của nhiều người, đầu tư công là chuyện dễ, bởi đã có sẵn tiền, nhưng lại rất khó và khó nhất là ở khâu giải phóng mặt bằng. Ðây là khâu liên quan nhiều đến lợi ích của người dân, cần phải giải quyết hài hoà quyền lợi giữa các bên có liên quan mới nhận được đồng thuận của người dân. Như vậy, phải đứng trên quyền lợi của người dân để nhìn, còn khi triển khai giải phóng mặt bằng mà tái định cư chưa có, phương án bồi hoàn hỗ trợ cũng không xác đáng mà đòi hỏi người dân phải bàn giao mặt bằng là điều không thể. Nói thì có vẻ dễ, nhưng để hài hoà lợi ích giữa các bên đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhất là phải làm tốt công tác dân vận.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 chuyển sang, toàn tỉnh trên 3.257 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3, khoảng thời gian được xem là thuận lợi nhất để triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công nhưng tổng giá trị giải ngân cũng chỉ đạt khoảng 293 tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch vốn. Giải phóng mặt bằng, một khó khăn gần như năm nào cũng gặp, dự án nào cũng vướng, dù công tác này được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, trực tiếp là các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi và Lê Văn Sử. Tuy nhiên, chuyện giải phóng mặt bằng vẫn còn vô cùng khó khăn do tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh.
Là người đứng đầu đơn vị làm chủ đầu tư nguồn vốn khá lớn trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, các công trình thuỷ lợi còn thấp, nhưng sở đang tập trung chỉ đạo kỳ quyết để cùng Ban Nông nghiệp, Ban ODA đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay và ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân là công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giá theo thị trường.
Vướng mặt bằng khiến tiến độ giải ngân đạt thấp và khó khăn này hiện nay tồn đọng lớn, nhất là trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 chuyển sang. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 chuyển sang trên 255,9 tỷ đồng thì đến hết tháng 3 cũng chỉ giải ngân được hơn 4,7 tỷ đồng, chưa được 2%. Trong đó, có nhiều nguồn giải ngân rất thấp, như vốn xổ số kiến thiết chưa giải ngân, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu chỉ giải ngân được 1,369 tỷ đồng, bằng 1% kế hoạch vốn, hay vốn nước ngoài cũng mới giải ngân 2,167 tỷ đồng…
Là huyện có tiến độ giải ngân đạt 5,2%, thấp hơn so với trung bình chung của toàn tỉnh, huyện Ðầm Dơi đang tập trung quyết liệt các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, UBND huyện đã triển khai mời thầu toàn bộ 13 gói thầu với tổng vốn 111 tỷ đồng được phân bổ cả vốn tỉnh và vốn huyện. Theo đó, dự kiến đến cuối quý II sẽ có khối lượng để tiến hành giải ngân. “Ðảm bảo đến cuối năm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%”, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Chí Thiện khẳng định.
Ðúng tiến độ, đủ chất lượng
Riêng đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, đến hết tháng 3 đã giải ngân trên 289 tỷ đồng, tương đương 9,6% kế hoạch. Như vậy, những tháng còn lại phải tiến hành giải ngân khối lượng vốn khá lớn, trên 2.964 tỷ đồng (cả vốn năm 2020 chuyển sang). Ðây là khối lượng khá lớn, bởi có đến 75,3% kế hoạch vốn năm 2021 được bố trí cho các dự án khởi công mới. Từ đó, việc thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định, như trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng... mất rất nhiều thời gian. Theo dự kiến, phải đến khoảng quý II mới khởi công và phát sinh khối lượng để giải ngân.
Ðó là dự kiến trong điều kiện thuận lợi nhất, nếu gặp phải khó khăn phát sinh thì thời gian sẽ tiếp tục kéo dài. Và thực tế hiện nay đã xảy ra khó khăn khi giá sắt, cát, đá tăng, nhất là đối với những công trình, dự án đã phê duyệt năm 2020. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau Dư Minh Hùng, đầu năm 2021 giá sắt phục vụ xây dựng tăng và hiện nay giá cát, đá tiếp tục tăng. Theo thông tin, cát, đá trên thị trường khan hiếm nên giá thành tăng thêm khoảng 40.000 đồng/m3. Thực tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ðặc biệt, những dự án đã phê duyệt thiết kế năm 2020 sẽ vượt mức đầu tư cần phải điều chỉnh.
Không chỉ vậy, trong phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh quý I, diễn ra vào ngày 2/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhận định, khâu thẩm định trong nội bộ của một số sở quản lý chuyên ngành cũng rất nhiêu khê, có tình trạng thông cảm bỏ qua cho nhau “tôi chậm, anh cũng chậm, thôi bỏ qua không báo cáo”. Ðặc biệt, có sự chi phối với nhau trong việc chọn đơn vị tư vấn, đơn vị cung cấp dịch vụ cho chủ đầu tư về hồ sơ chuẩn bị đầu tư. “Từng giám đốc sở phải rà soát lại cán bộ nghiệp vụ của đơn vị mình và chấm dứt ngay tình trạng này”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo.
Dự án đường trục chính Khu kinh tế Năm Căn đang được gấp rút hoàn thành đưa vào sử dụng. |
Với điều kiện tỉnh đang phát triển như Cà Mau, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư rất lớn, còn rất nhiều công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng không có ngân sách. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án để làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cần có một giải pháp để tăng thu ngân sách, tạo nguồn tái đầu tư bằng việc tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng tiến hành bán đấu giá. Thực tế thời gian qua, giải pháp này được TP Hà Nội áp dụng vô cùng hiệu quả. Không cần diện tích quá lớn, chỉ cần tận dụng những mảnh đất đẹp, đất ven đô thị khoảng 0,5, 1 hay chỉ 2 ha để tiến hành bán đấu giá cũng mang về nguồn thu ngân sách khá lớn. Không chỉ mang lại ngân sách cho tỉnh, cho huyện mà còn giải quyết được nhu cầu nhà ở hiện nay, thay vì chỉ giao đất cho nhà đầu tư làm các khu đô thị lớn.
Liên quan đến đầu tư công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo: “Các chủ đầu tư phải xác định thời gian triển khai cụ thể từng công việc của từng dự án, tránh tình trạng dồn về cuối năm lại chạy theo tiến độ giải ngân mà không đảm bảo quy trình thủ tục và chất lượng công trình. Vốn đầu tư công phân bổ năm 2021 đến hết tháng 6 mà chưa mời thầu được là xem như không hoàn thành nhiệm vụ”. |
Nguyễn Phú