Hạn mặn là vấn đề đã được dự báo trước hằng năm mỗi khi vào mùa khô. Thế nhưng nhiều năm nay, các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chưa có hướng khắc phục lâu dài. Mùa khô năm nay cũng không ngoại lệ khi nhiều địa phương trong tỉnh hiện đang đối mặt với tình trạng hạn mặn, thiếu nước phục vụ tưới tiêu, bảo vệ rừng, và hơn hết là tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo phải đảm bảo người dân có nước sạch sử dụng, thực hiện đúng phương châm “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6 khu vực có nguy cơ bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Cụ thể, huyện Thới Bình có 2 khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước, đó là xã Biển Bạch và xã Hồ Thị Kỷ, với khoảng 710 hộ thiếu nước; huyện U Minh có 3 xã: Khánh Thuận, Khánh Lâm và Khánh Hội, với hơn 330 hộ và khu vực ấp Rạch Vẹt, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) vừa có chuyến khảo sát thực tế tình hình đời sống của người dân xã Biển Bạch (huyện Thới Bình), nhất là tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Toàn xã Biển Bạch, huyện Thới Bình có 6.500 hộ dân, trong đó có hơn 642 hộ bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt là trên tuyến kênh Ranh Hạt, ấp Thanh Tùng có trên 350 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Tại tuyến kênh Ranh Hạt, thực trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ xảy ra ngày một ngày hai, mà đã kéo dài hàng chục năm nay. Ông Mai Hồng Cát, hộ dân trên tuyến kênh Ranh Hạt, bộc bạch: “Dù trong mùa mưa bà con ở đây đã chủ động, tận dụng hết các vật dụng để trữ nước, thế nhưng tới mùa hạn vẫn không đủ sử dụng, phải đổi nước với giá cao”.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn lựa chọn các địa điểm xây dựng, lắp đặt các bể chứa nước ngọt nhằm ứng phó hạn hán. Theo đó, trên tuyến kênh Ranh Hạt có 7 điểm được lắp đặt các bồn chứa nước.
“Ngoài ra, trong 642 hộ dân thì có 280 hộ có đường nước được lắp đặt tới nhà. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, nguồn nước không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, người dân phải canh giờ bơm nước mới đủ lượng nước sinh hoạt trong ngày”, ông Vững cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Cát cho hay: “Trên tuyến có 7 điểm cấp nước, cách nhau từ 500-700m, mỗi điểm được đặt 2 bồn (mỗi bồn 7 khối nước) để bà con trên tuyến đến lấy nước. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các bồn cũng đều cạn nước, bà con bắt đầu đổi nước sử dụng trong sinh hoạt và ăn uống”.
Theo thông tin từ các hộ dân trên tuyến cho biết, bình quân mỗi hộ sử dụng từ 10-15 khối nước/tháng, với chi phí từ 400-500 ngàn đồng. Nhà nào đông người thì chi phí lên tới hàng triệu đồng mỗi tháng.
Trên tuyến kênh Ranh Hạt, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có 7 điểm lắp đặt bồn chứa nước, nhưng đến thời điểm hiện tại các bồn đều đã cạn nước. Ảnh: Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải (bìa trái) khảo sát thực tế tại một điểm lắp đặt bồn chứa nước trên tuyến kênh Ranh Hạt.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “Sở đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình cấp nước tại các trạm cấp nước đang quản lý, khai thác. Chuẩn bị vật tư, thiết bị sửa chữa hư hỏng, thay thế thiết bị sẵn có tại các trạm cấp nước. Khi phát hiện sự cố hư hỏng, thiếu nước, mất nước cục bộ phải khắc phục, sửa chữa ngay, không để người dân thiếu nước sinh hoạt trong thời gian mùa khô sắp tới”.
Ông Bằng thông tin, riêng ở tuyến bờ Tây sông Trẹm đã triển khai khoan thêm 1 giếng nước công suất 50m3/h tại ấp Kênh 8, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình và lắp đặt thêm 1 km đường ống dẫn nước để đấu nối vào đường ống hiện có, cung cấp cho hơn 450 hộ dân trên địa bàn xã Biển Bạch (phía bờ Tây sông Trẹm, từ Kênh 8 đến Kênh 25, giáp ranh tỉnh Kiên Giang).
Đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang được xây dựng tại vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để kịp thời khai thác, vận hành; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu.
“Khẩn trương rà soát các công trình cấp nước đã xuống cấp, hư hỏng trong các khu vực thiếu nước để có các giải pháp nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nguồn nước sinh hoạt kịp thời cho người dân”, ông Bằng nhấn mạnh.
Thời gian qua, các địa phương tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ bồn giúp người dân trữ nước, phục vụ sinh hoạt trong mùa khô.
Được biết, vừa qua trong chuyến khảo sát thực tế về tình trạng thiếu nước trên địa bàn xã Biển Bạch, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải quan tâm: “Sau 50 năm đất nước hoàn toàn giải phóng mà đến thời điểm hiện tại người dân vẫn còn tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, phục vụ ăn uống hằng ngày, thì lãnh đạo địa phương cần xem lại. Đây là nhiệm vụ cấp bách cần triển ngay”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo thực hiện từ nay đến trước ngày 30/4 đảm bảo người dân trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng thiếu nước sạch sử dụng./.
Kim Cương