(CMO) Huyện Trần Văn Thời hiện nay vẫn còn một số khó khăn, nhất là hạ tầng; áp lực quản lý dân cư, quản lý đất đai rất lớn; tốc độ đô thị hoá còn chậm so với tiềm năng, nhất là khu vực Sông Đốc,…, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhận định tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện vào sáng 24/3 xung quanh tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I và công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi phát biểu tại buổi làm việc. |
Huyện đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý I phát triển ổn định. Ước thực hiện thu ngân sách đến ngày 31/3 được 25 tỷ đồng, đạt 25,77% so với dự toán, bằng 71% so với cùng kỳ. Các trà lúa thu hoạch có năng suất, sản lượng đạt khá, giá cả ổn định. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản đến nay khoảng 36.300 tấn (tôm 5.500 tấn), đạt 25%. Diện tích rừng thuộc thẩm quyền huyện quản lý 2.723 ha, trong đó dự báo cháy cấp 2 là 1.453,8 ha, cấp 3 là 416,9 ha, cấp 4 là 593 ha, cấp 5 là 260 ha; UBND các xã có rừng và các chủ rừng tích cực triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo phương án được duyệt; đã phân công lực lượng trực 24/24 giờ đối với diện tích rừng ở cấp độ 4.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, giải quyết tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ được tăng cường,…
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản từ đầu năm đến nay của huyện đạt khoảng 36.300 tấn. |
Trên địa bàn huyện hiện có 15 công trình, dự án đang triển khai thực hiện. Trong đó, có 3 công trình, dự án do Ban quản lý dự án công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư; 3 công trình, dự án do Ban quản lý dự án xây dụng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư; 2 công trình, dự án do Ban quản lý Khu kinh tế làm chủ đầu tư; 3 công trình, dự án do ngành điện làm chủ đầu tư; còn lại 4 công trình, dự án do huyện làm chủ đầu tư.
Theo ông Võ Quốc Thống, Phó chủ tịch UBND huyện, nhận định, qua rà soát tình hình thực tế địa phương, việc quản lý sử dụng đất của UBND cấp xã còn chưa chặt chẽ, có nhiều hộ cất nhà trên đất nông nghiệp, cất nhờ trên đất người khác hoặc cất nhà, công trình trên đất không đủ điều kiện bồi thường. Do đó, đến khi triển khai thực hiện các công trình, dự án thì công trình xây dựng nhà ở không đủ điều kiện được bồi thường, chỉ được xem xét hỗ trợ khác về thiệt hại nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt theo quy định; mức hỗ trợ từ 30-50% giá xây dựng mới. Mặt khác, trong điều kiện vật giá tăng, dẫn đến việc người dân có nhà ở, công trình phải tháo dỡ được hỗ trợ số tiền không đủ để xây dựng lại nhà mới để ở, ổn định đời sống. Do đó, nhiều trường hợp yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, việc xây dựng giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện công trình, dự án còn gặp khó khăn, bất cập, xảy ra tình trạng so đo giá. Từ đó khiến nhiều công trình, dự án gặp không ít khó khăn trong bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Tiêu biểu như Dự án Khu tái định cư xen ghép Sông Đốc. Dự án có tổng số 192 hộ bị ảnh hưởng, nhưng số hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư là 165 hộ. Từ đó đến nay còn lại 107 hộ chưa giao nền, do Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa lập bản đồ trích đo nên chưa lập được giá đất cụ thể.
Hay như Dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Ông Đốc và đường dẫn số 11 phía bờ Bắc hiện còn hộ ông Lê Văn Thiệt, vợ là bà Châu Thị Thuý Hồng tuy thống nhất chủ trương nhưng chưa đồng ý giao mặt bằng thi công vỉa hè, mương thoát nước, còn đặt ra yêu cầu hỗ trợ một khoản tiền để có chi phi di dời. Riêng phía bờ Nam, tổng số có 170 hộ bị ảnh hưởng và đến nay đã có 98 hộ nhận tiền bồi hoàn giải phóng mặt bằng; 157 hộ đã thống nhất và bàn giao mặt bằng, đạt 92,35%. Hiện còn 13 hộ chưa đồng ý giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Dự án cầu qua sông Ông Đốc hiện còn 13 hộ chưa đồng ý giao mặt bằng cho đơn vị thi công. |
Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Thống kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sớm quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư khóm 6B, thị trấn Sông Đốc và triển khai các bước tiếp theo để sắp xếp dân cư bị ảnh hưởng Dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Ông Đốc, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào Đầm Thị Tường và các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án khác trên địa bàn thị trấn Sông Đốc.
Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh có văn bản hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ cho thống nhất, tránh tình trạng so bì giữa các hộ cùng bị thu hồi đất, đặc biệt là trường hợp 2 hộ dân có phần đất giáp ranh nhau, có cùng mục đích sử dụng đất nhưng giới hạn ranh giới thửa đất không giống nhau.
Ghi nhận những khó khăn của địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo, huyện cần phát huy tối đa các hội nghị chuyên đề để quán triệt sâu rộng từ trong cán bộ, đảng viên cho đến người dân. Phối hợp với các sở, ngành sớm lấy ý kiến liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị Sông Đốc, kèm theo là kế hoạch chi tiết có lộ trình từng giai đoạn cụ thể, đây phải là điểm nhấn về kinh tế biển. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận đối với những hộ dân bị ảnh hưởng do các công trình, dự án.
“Giá đất trong bồi thường giải phóng mặt bằng phải làm nhanh, chính xác và đúng quy định. Riêng đối với các dự án tái định cư, cần rà soát và tìm kiếm thêm quỹ đất để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Tăng cường công tác quản lý, không để phát sinh thêm tình trạng xây dựng nhà ở, công trình trái phép”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhấn mạnh./.
Nguyễn Phú