Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hội nghị trực tuyến cùng với 63 tỉnh, thành rà soát về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra sáng 20/6.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Mặc dù năm nay là năm cuối cùng của kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi không hề thay đổi, bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi, vì vậy tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động tích cực của các địa phương trong công tác tổ chức Kỳ thi đúng với tinh thần chỉ đạo
"Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chất lượng, hiệu quả, tất cả vì học sinh, nhưng không tạo áp lực mà phải chu đáo, tạo sự thân thiện, tâm lý thoải mái để thí sinh thi tốt nhất: thi thực, kiến thức thực, kết quả thực”, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý.
Kỳ thi năm nay được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.
Theo đó, kỳ thi phải đạt 3 mục tiêu: kết quả xét tốt nghiệp; đánh giá quá trình dạy và học 12 năm, nhất là 3 năm THPT; và là cơ sở xét tuyển đại học.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tại tỉnh Cà Mau, báo cáo công tác chuẩn bị kỳ thi tại hội nghị.
Đến thời điểm này, đoàn công tác của Bộ trưởng và 4 đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả kiểm tra, các đoàn đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của địa phương trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, việc huy động các lực lượng, sở, ban, ngành và hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, cũng kịp thời phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị và kiến nghị địa phương khắc phục.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tại tỉnh Cà Mau, cho biết, tính đến thời điểm này, SởGiáo dục - Đào tạo cơ bản hoàn thành những công việc cần thiết để tổ chức kỳ thi. Từ nay đến ngày 21/6, Hội đồng thi tổ chức rà soát lại các khâu của công tác chuẩn bị ở tất cả 17 điểm thi, cùng với sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đặt các điểm thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi.
Các sĩ tử Cà Mau tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: LÊ TUẤN
“Cà Mau đã xây dựng phương án dự phòng và các kịch bản để tổ chức kỳ thi khi có các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác thường phát sinh hoặc dự báo có thể phát sinh. Tỉnh chưa có khó khăn lớn kiến nghị Trung ương, đối với những khó khăn thuộc về nội tại, tỉnh đã khắc phục và đảm bảo công tác tổ chức tốt nhất cho kỳ thi”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân báo cáo với Ban chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia.
Từ nay đến ngày thi, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức đoàn làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi; kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương; đồng thời, tiếp tục triển khai công tác truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ cởcủa 20 Sở GD-ĐT.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương; tập trung thực hiện theo lộ trình các công việc.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thầy cô giáo tham gia rất lớn, số lượng thí sinh hàng triệu em, ngành giáo dục cần sự phối hợp của ngành công an, quân đội, thanh tra, y tế, giao thông,…. Để công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt, việc phân công nhiệm vụ phải rõ chức trách nhiệm vụ, rõ thời gian. Thành viên trong Ban chỉ đạo đại diện các sở, ngành cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi.
Thứ trưởng yêu cầu tất cả các cán bộ, viên chức tham gia kỳ thi này đều phải được tập huấn và học quy chế, để không một cán bộ nào lơ là trong thực hiện; Ban chỉ đạo của các Sở GD-ĐT chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin công khai, minh bạch về kỳ thi với tinh thần để phụ huynh, xã hội, ban ngành hiểu về kỳ thi, đồng thuận trong thực hiện.
Năm nay, Ban chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không”. "4 Đúng" là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. "3 Không" là: Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
“Mô hình, quy trình kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được giữ ổn định trong nhiều năm, do đó các đơn vị đã thực hiện quen, nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, cần thường xuyên rà soát quy trình, nghiệp vụ bảo đảm đúng các yêu cầu đề ra, tuyệt đối không được chủ quan; rút kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng quên nhập phiếu đăng ký xét tốt nghiệp THPT vừa qua”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi toàn quốc là 1.071.393 (tăng 47.330 thí sinh so với năm 2023). Trong đó, thí sinh tự do: 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh; tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ: 66.927 thí sinh 6,25% tổng số thí sinh. Theo đó, số Điểm thi trên toàn quốc là 2.323 (tăng 51 điểm thi so với 2023) với 45.149 phòng thi.
Riêng tại Cà Mau, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Cà Mau đặt tại Sở GD&ĐT, với 17 điểm thi, bố trí 433 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 10.182; tổng số nhân sự tham gia phục vụ kỳ thi là 1.714 người.
Băng Thanh