(CMO) “Báo chí và dư luận xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ảnh hưởng chặt chẽ tới nhau. Báo chí là chủ thể khơi nguồn dư luận xã hội, có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận xã hội, và ngược lại, dư luận xã hội là đối tượng phản ánh của báo chí, đồng thời là thước đo để đánh giá khả năng, hiệu quả tác động của báo chí đối với xã hội. Trong xã hội hiện đại, phần lớn dư luận xã hội được châm ngòi từ báo chí”. (Vai trò của báo chí trong định hướng dư luận xã hội, TS Ðỗ Chí Nghĩa).
Trung tuần tháng 10/2021, dư luận xã hội cũng như nhiều trang mạng xã hội và báo chí đang bàn luận “nóng” về việc tiêu huỷ đàn chó liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Cà Mau. Tỉnh Cà Mau ngay lập tức có chỉ đạo và tiến hành họp báo thông tin cụ thể về sự việc. Qua đó cho thấy, Cà Mau luôn tạo môi trường hoạt động báo chí minh bạch, khách quan trong “tự do báo chí, tự do ngôn luận”.
Song, cũng không ít tin, bài và trang mạng xã hội lại suy luận, gán ghép nguyên nhân của việc tiêu huỷ là vi phạm, là sai trái... trong khi lại lờ đi mọi nỗ lực của chính quyền địa phương đang còn nhiều hạn chế về năng lực y tế, cơ sở vật chất, nhân lực nhưng bằng mọi giải pháp vẫn đảm bảo chăm lo cho hơn 25.000 công dân trở về quê trong đại dịch Covid-19. Việc thông tin chưa rõ ràng, thiếu định hướng, có phần gán ghép, phủ nhận vai trò như đã bàn luận không khác gì hành động “té nước theo mưa” mà người làm báo cách mạng chân chính hết sức tránh.
Các ngành, lực lượng ở Cà Mau đã rất ân cần, chu đáo, chăm lo cho hơn 25.000 công dân trở về, thì đừng vì những lý do cá nhân, những lời đồn đoán thiếu trách nhiệm mà lờ đi những nỗ lực đáng trân trọng. |
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên báo Cà Mau, Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho hay: “Báo chí và người làm báo trước hết là phản ánh dư luận xã hội, đồng thời là sự thể hiện quan điểm, tấm lòng, cảm xúc của nhà báo trước các sự kiện. Không tránh khỏi việc có người vì quá bức xúc nên đã có những suy luận, bình luận chưa khách quan, công bằng. Song, suy cho cùng cũng có phần ảnh hưởng từ nhiều bài báo, thông tin trên báo qua các video được đăng trên mạng xã hội”.
Một số người suy luận, bình luận, thậm chí bóp méo sự thật nhằm “lái” những bức xúc, bất bình của bạn đọc, công chúng sang bôi nhọ, làm mờ vai trò ban chỉ đạo chống dịch cơ sở, chính quyền địa phương, phủ nhận những nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19, công việc chưa từng có tiền lệ. Ðồng thời, họ dẫn dắt suy nghĩ, hướng góc nhìn của nhiều người đến những quy định, quy chuẩn mà các tổ chức khác, trong khi chính họ còn chưa tường minh xem hội này, tổ chức kia có quan điểm, mục tiêu, phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá tín ngưỡng của người Việt hiện nay không.
Chính từ những thông tin bỏ lửng kết quả, thông tin mập mờ sự việc trước mắt đã gây hệ luỵ “khủng hoảng do truyền thông” không đáng có. Ðến mức tạo ra sức ép phải xin thôi việc của người trong cuộc vì những tham mưu, hành động, việc làm của họ chưa được xem xét đúng trong thông tin chính đáng, bức bách nhằm mục tiêu nhân văn là bảo vệ tính mạng con người.
Như mọi việc đã diễn ra và nội dung cung cấp thông tin cho báo chí của UBND huyện Trần Văn Thời, không ai phủ nhận việc tiêu huỷ chó của người chủ bị Covid-19 ở xã Khánh Hưng có những thiếu sót nhất định (xét trong điều kiện bình thường). Nhưng trường hợp thực tế dẫn đến quyết định ấy là trong công tác cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi nguồn lực, cơ sở vật chất chăm lo cho người dân còn hạn chế thì làm sao có thể phân bổ riêng một nguồn lực để lo cho đàn chó! Vấn đề này, nếu báo chí đảm bảo tốt vai trò thông tin, định hướng và mang tính chất tích cực góp ý xây dựng, tìm ra những giải pháp thay vì buông lửng, lập lờ, gây hiểu nhầm, hiểu lệch vấn đề thì không đến nỗi tạo ra luồng sóng dư luận không tốt trong mắt và suy nghĩ của nhiều người đến thế.
Trái lại, nhiều tin, bài trên các báo và dẫn nguồn bình luận của nhiều trang mạng xã hội mang tính suy diễn, tuyên truyền rằng, vụ tiêu huỷ chó, mèo là huỷ hoại tài sản công dân, là vi phạm bảo vệ động vật... Nhiều tờ báo còn phỏng vấn, dẫn lời của bác sĩ, tiến sĩ, chuyên gia dịch tễ (không ở địa bàn Cà Mau) để bàn phương kế cho địa phương: lập khu riêng, chăm sóc riêng cho cả chó, mèo! Họ quên mất thực tế ở Cà Mau. Rõ ràng, từ những thông tin thiếu xác thực, thiếu khách quan, thiếu trách nhiệm của người làm báo, kể cả người nhìn nhận vấn đề đã khơi lên những bức xúc không đáng có của công chúng. Nguy hại hơn, từ thông tin ấy làm nảy sinh nghi kỵ, mất lòng tin thể hiện qua những suy diễn đi quá xa so với bản chất của vấn đề.
“Trong khi mục đích của báo chí là định hướng dư luận xã hội, là góp phần làm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, thái độ và hành động của các nhóm xã hội theo hướng có lợi cho quốc kế, dân sinh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì việc nhiều báo vì câu like, vì tranh thủ đưa tin nóng... mà vô tình gây tác dụng ngược. Tạo dư luận không tốt, hướng công chúng đến vấn đề khác”, Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc nóng, tiêu cực ở Cà Mau được các cấp uỷ, chính quyền thông tin kịp thời, định hướng tuyên truyền và báo chí vào cuộc với mục đích trong sáng thì thông tin về sự việc sẽ đạt mục đích tường minh, tích cực. Như vụ việc tạt xăng chống người thi hành công vụ trong cưỡng chế thi hành án ở huyện Cái Nước vào tháng 7/2019; việc khởi tố nhiều cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, năm 2021; cũng như những chỉ đạo về xử lý, kỷ luật cán bộ khi có những biểu hiện, việc làm chưa đúng trong quản lý tài sản công, trong xây dựng nông thôn mới ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân...
Cụm từ “Dư luận xã hội đang bức xúc” luôn thấy sử dụng nhiều trên các mặt báo và các trang mạng xã hội về vấn đề tiêu huỷ chó. Việc lạm dụng cụm từ này mang đến những hệ luỵ và tạo tâm lý bất an cho bạn đọc, công chúng. Phải thừa nhận rằng, không hẳn thông tin trên mạng xã hội tất cả đều sai. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc xác minh thông tin từ mạng xã hội để có những hành động đúng, thông tin đúng, chính thống, định hướng. Nếu thấy ý kiến, đòi hỏi, nguyện vọng của công chúng qua mạng xã hội thực sự xuất phát từ sự hiểu biết đúng đắn và lợi ích chính đáng thì phải tiếp thu, kịp thời giải quyết thấu đáo. Nếu kết quả phân tích dư luận là sai trái, do công chúng thiếu thông tin hoặc đặt lợi ích cục bộ thì chính quyền phải kịp thời có giải pháp thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ để vô hiệu hoá tin độc, tin xấu và ngay tức khắc phải có định hướng.
Bởi thông qua mạng xã hội, công chúng thoải mái đưa ra ý kiến, bình luận tạo dư luận. Trong bối cảnh này, với ý nghĩa tích cực và lành mạnh, cùng với báo chí song hành không chỉ đưa mạng xã hội là phương tiện truyền thông tin hữu ích, gần gũi, thoả mãn nhu cầu giải trí, sự tò mò của bạn đọc, của công chúng mà còn đạt mục đích ở mức cao hơn: nâng cao nhận thức, giáo dục.
“Riêng người làm báo ở Cà Mau cũng như các cơ quan báo chí trong tỉnh, thời gian tới, để phát huy vai trò, cốt lõi của vấn đề là mỗi cơ quan, mỗi người làm báo phải là một địa chỉ có uy tín mà bạn đọc và xã hội gửi gắm niềm tin. Ðồng thời, mỗi người cầm bút phải thật sự thể hiện vai trò, trách nhiệm tích cực có lương tri, có trí tuệ, có bản lĩnh, luôn giữ vững niềm tin vào con đường phát triển đất nước thì mới tạo được môi trường thông tin an toàn, hiệu quả đúng với tôn chỉ và mục đích tối thượng của báo chí cách mạng”, Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng chia sẻ.
Trước hết, để phát huy ưu thế, giữ vai trò chủ đạo và định hướng dư luận xã hội của báo chí, các cơ quan báo chí cần đưa tin một cách chân thật, nhanh chóng, chính xác, kịp thời muôn mặt của đời sống xã hội. Ðối với những vấn đề, sự kiện, hiện tượng phức tạp, nhạy cảm, chưa rõ bản chất, nguồn gốc hoặc chưa được kiểm chứng thì không vội đưa tin.
Nghĩa là báo chí cần phải tuân thủ thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đúng với đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, tuyệt đối đã làm báo thì không được sa đà vào những vụn vặt của đời sống xã hội, những vấn đề thuộc về riêng tư; không chạy theo khuynh hướng giật gân, câu view theo kiểu thương mại hoá báo chí. Ðiều đó còn tuỳ thuộc vào phần lớn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng.
Tỉnh đã nỗ lực hướng đến minh bạch thông tin, báo chí tỉnh nhà đã làm tốt vai trò cầu nối, cơ quan ngôn luận, diễn đàn của Nhân dân. Báo chí đã mang hơi thở cuộc sống thì người làm báo cần đặt trách nhiệm của mình để giữ “luồng không khí” trong lành nhất cho hơi thở. Không vì nôn nóng trong đưa tin, dẫn đến thông tin thiếu chuẩn xác, tạo dư luận không tốt kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh ngoài ý muốn, quan ngại nhất vẫn là “té nước theo mưa”.
Câu chuyện tiêu huỷ chó, mục đích là đảm bảo an toàn tính mạng con người trong tình huống cấp bách của phòng, chống dịch bệnh. Có thể sẽ không to tát nếu công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí được đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích. Chỉ trong 2 ngày mà thông tin về sự việc được lan truyền với số lượng cấp số nhân. Ðến mức người đứng đầu tỉnh Cà Mau phải thốt lên “Tôi buồn vì nhiều người “mắng” Cà Mau ghê quá” (báo Dân Trí, ngày 11/10/2021). Dù quyết định tiêu huỷ ấy còn nhiều tranh cãi, xuất hiện những ý kiến trái chiều, nhưng trước tình huống này, nhà báo bình tĩnh, thận trọng, không vội vàng đưa tin hay bình luận khi chưa nắm chắc bản chất của vấn đề thì không đến nỗi./.
Phong Phú