Thiếu kinh phí cho hoạt động bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề đưaợc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính xem xét tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2014.
Thiếu kinh phí cho hoạt động bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề đưaợc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính xem xét tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2014.
Trước đây, tất cả tiền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đều do địa phương quản lý và lập kế hoạch chi bồi dưỡng cán bộ, chi phí xăng dầu phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS) giao thông, đầu tư phương tiện, thiết bị… Tuy nhiên, từ khi áp dụng theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính (có hiệu lực tháng 7/2013) và Thông tư 199 của Bộ Tài chính (có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2014), thì khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, các tỉnh, thành phố chỉ giữ lại 30%, còn 70% phải nộp về ngân sách Trung ương, giao cho Bộ Công an quản lý. Hằng năm, các địa phương phải lập dự toán kinh phí hoạt động thì mới được chi. Từ đó, không ít địa phương thiếu kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền và tăng cường TTKS giao thông.
Lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ở các xã, phường cần được hỗ trợ kinh phí. |
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT thông tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi kiến nghị Trung ương xem xét việc giao 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông cho địa phương quản lý. Bởi lẽ, Cà Mau không chỉ có giao thông đường bộ mà hoạt động giao thông đường thuỷ cũng rất phức tạp, việc TTKS tốn xăng, dầu nhiều hơn đường bộ, trong khi địa phương lại không đủ kinh phí để hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ.
Song, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, trước đây khi chưa có quy định thì các địa phương được toàn quyền quản lý, điều tiết tiền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tất cả tiền xử phạt phải đưa vào ngân sách, còn Luật Ngân sách thì địa phương phải lập dự toán mới được chi và chi không quá số thu. Trong năm 2014, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công an lập dự toán chi trên 2.600 tỷ đồng và đã phân bổ cho các địa phương 70% trong số đó. Hơn nữa, địa phương cũng còn giữ lại 30% để làm kinh phí hoạt động. Hiện tại, chưa có cách nào khác hơn là phải thực hiện thu, chi đúng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Như vậy, việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông trong năm 2015, các địa phương vẫn phải nộp về ngân sách Trung ương 70% và phải dự trù chi tiêu hoạt động hằng năm thì mới được phân bổ kinh phí. Xem ra, nếu không thay đổi kinh phí đặc thù cho công tác bảo đảm trật tự ATGT thì nhiều địa phương sẽ không đủ tiền hỗ trợ công tác tuyên truyền, cho chi phí TTKS. Ðây là vấn đề mà Bộ Tài chính cần quan tâm tiếp tục có giải pháp tích cực hơn./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha