ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 15:22:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn - Hậu quả khó lường

Báo Cà Mau Mùa hè là thời điểm trẻ em nghỉ học, vui chơi nhiều hơn nên cũng là lúc dễ xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn, trong đó có những tình huống nguy hiểm nhưng thường bị xem nhẹ, đó là bị rắn cắn.

Ghi nhận từ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thời gian gần đây liên tục có các ca trẻ nhỏ bị rắn cắn trong tình trạng nguy kịch do xử lý sai cách hoặc chậm trễ trong cấp cứu.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý xử lý tại nhà, cũng không nên đưa trẻ đi lấy nọc vì việc này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.

Một trong những trường hợp khiến nhiều người không khỏi xót xa là bé gái hơn 3 tuổi, con chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (ấp Tân Long B, xã Đầm Dơi). Do vợ chồng chị đi làm xa, con gái nhỏ ở nhà với ông bà nội. Trong lúc chơi ở khu vực sau nhà, cháu không may bị rắn cắn. Ông bà nội do hoảng loạn đã đưa cháu đi “lấy nọc” theo cách dân gian. Khoảng hai giờ sau, thấy bé có biểu hiện bất thường, gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện Đầm Dơi và chuyển tiếp lên Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Tuy nhiên, do đưa đi cấp cứu quá muộn, đến nay đã hơn một tháng, cháu vẫn còn hôn mê sâu.

Con của chị Duyên không còn thở máy sau 2 ngày điều trị tích cực.

Một trường hợp khác xảy ra tại ấp Má Tám, xã Nguyễn Việt Khái. Bé gái 11 tuổi, con chị Nguyễn Thị Duyên đang chơi trong phòng ngủ thì bị rắn bò vào cắn. Ban đầu khi hỏi thì bé nói không bị rắn cắn, gia đình nghĩ cháu bé chạy chơi vấp ngã nên chảy máu. Đến chiều thấy bé bắt đầu nôn ói liên tục mới đưa đi cấp cứu. Bé được chuyển từ Bệnh viện Cái Nước lên Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, sau 2 ngày điều trị, bé đã qua cơn nguy kịch và không còn phải thở máy.

 Con gái chị Nguyễn Thị Mỹ Châu vẫn còn hôn mê sau hơn 1 tháng điều trị rắn cắn.

Theo bác sĩ CKI Trương Thị Cẩm Tú, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, vào mùa hè, số ca rắn cắn ở trẻ nhỏ tăng cao, đặc biệt là do rắn hổ và rắn lục. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng chỉ vì người lớn thiếu hiểu biết, tự ý xử lý tại nhà hoặc chậm đưa đến cơ sở y tế.

Bác sĩ Cẩm Tú cảnh báo: “Một số gia đình vẫn tin vào mẹo dân gian như hút máu độc bằng miệng, đốt vết cắn, rạch vết thương, đắp lá cây hay buộc dây thật chặt ở tay chân. Những cách này không có cơ sở y học và có thể khiến tình trạng càng trầm trọng hơn”.

“ Khi bị rắn cắn, người dân cần giữ bình tĩnh không để nạn nhân di chuyển nhiều để tránh nọc độc lan nhanh. Phần bị cắn nên được bất động, không chà xát, không đắp bất kỳ chất gì lên vết thương và tuyệt đối không hút máu độc. Nếu có thể, nên ghi nhớ đặc điểm con rắn như màu sắc, hình dạng, có sọc hay không để bác sĩ dễ dàng xác định loại nọc và có hướng điều trị phù hợp. Việc cần làm nhất là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử lý đúng chuyên môn", bác sĩ Cẩm Tú nhấn mạnh.

Ngoài ra, với các gia đình sống gần vùng sông rạch, nông thôn, cần phát quang bụi rậm quanh nhà, đóng cửa kín (đặc biệt là phòng ngủ), không để trẻ chơi một mình ở khu vực hoang vắng. Phụ huynh cần trang bị thêm kiến thức sơ cấp cứu để biết cách xử trí ban đầu khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Rắn cắn là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị khỏi nếu xử lý đúng cách và kịp thời. Đừng để sự cả tin vào những mẹo truyền miệng đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con trẻ./.

Hồng Phượng

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.

Vì môi trường không khói thuốc

Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Nguyên nhân và tác hại của thừa cân béo phì ở trẻ em

Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao. Còn béo phì là tình trạng tích luỹ mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ (Theo WHO).