Bằng những phương pháp và kỹ thuật hiện đại nhất, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã thành công cứu được nhiều trẻ sinh non chỉ với 27 tuần tuổi, cân nặng chỉ 700 gram.
>> Chăm sóc tốt nhất cho sản phụ, trẻ sơ sinh
Mỗi năm, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận hơn 3.000 trẻ sơ sinh phải điều trị. Trong đó, trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân chiếm khoảng 10%; đặc biệt, những em bé có cân nặng dưới 2.000 gram, có tuổi thai dưới 34 tuần chiếm khoảng 1%. Bình quân mỗi năm khoa đã cứu sống hơn 150 trẻ có tuổi thai dưới 34 tuần và cân nặng dưới 2.000 gram.
Số trẻ sinh non trong mỗi năm đều tăng, năm 2022 là 271 bé, năm 2023 có đến 325 bé, riêng quý I năm 2024 là 80 bé. Về trường hợp trẻ có cân nặng dưới 2.000 gram và tuổi thai dưới 34 tuần, trong năm 2022 là 132 bé, đến năm 2023 là 173 bé và quý I năm 2024 đã là 50 bé, trong đó có 4 trẻ cân nặng dưới 2.000 gram và tuổi thai từ 26-28 tuần.
Trẻ sinh non tháng được theo dõi 24/24 với máy CPAP, máy thở.
Bác sĩ CKI Võ Phi Ấu, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết: “Ngày nay, nhiều kỹ thuật hiện đại được áp dụng đã hỗ trợ cho trẻ sơ sinh non tháng. Trẻ sơ sinh non tháng có rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là về bệnh phổi, dẫn đến việc bé dễ bị suy hô hấp. Ở bệnh viện có sử dụng surfactant, thuốc hỗ trợ phổi, làm nở phổi của trẻ để giúp trẻ thích nghi với cuộc sống những ngày đầu sau khi chào đời. Sau khi trẻ ổn định hô hấp, chúng tôi tiếp tục sử dụng phương pháp Kangaroo, tức là ấp những em bé sinh non tháng trên ngực người mẹ hoặc là người nhà, tạo môi trường giống trong bụng mẹ, giúp bé thuận lợi phát triển. Phương pháp này được bệnh viện thực hiện từ năm 2010, mỗi năm có khoảng 150 trẻ được áp dụng. Các bé phát triển tốt về cân nặng, vòng đầu cũng như trí não, giúp hỗ trợ cho người mẹ và gia đình yên tâm chăm sóc các em bé non tháng”.
Trong những ngày đầu của trẻ sinh non, các bác sĩ theo dõi 24/24 những dấu hiệu sinh tồn. Sau khi trẻ đã qua giai đoạn cấp cứu sẽ được tiến hành giai đoạn chăm sóc Kangaroo để theo dõi mỗi ngày về cân nặng, vòng đầu...
Bé nằm trong phòng Kangaroo được dùng máy chiếu chống vàng da để ổn định sức khỏe.
Trong tuần lễ đầu tiên, trẻ sẽ được tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh. Sau khi có chỉ định tầm soát bệnh lý võng mạc, những em bé nào cần sẽ được chuyển lên Bệnh viện Nhi Ðồng 1 để tiến hành can thiệp. Còn nếu không có chỉ định can thiệp, trẻ sẽ tiếp tục được theo dõi cân nặng mỗi ngày và tầm soát thính lực. Ðến khi cân nặng của trẻ đạt khoảng 1.800 gram và thân nhiệt ổn định, trẻ bú mẹ được hoàn toàn và người mẹ yên tâm chăm sóc bé thì mới được xuất viện và hẹn tái khám trong mỗi tuần. Ðến khi trẻ 38 tuần tuổi vẫn phải đưa trẻ đến tái khám 2 tuần/lần, sau đó kéo dài thành mỗi tháng, rồi đến 6 tháng mới tái khám một lần, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của trẻ.
Tính đến thời điểm này, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã cứu sống cho bé có cân nặng nhỏ nhất là 700 gram, tuổi của thai là 27 tuần. Sau khi sinh ra, em bé này bị suy hô hấp, các bác sĩ tiến hành hỗ trợ bằng surfactant giúp nở phổi, sau đó hỗ trợ hô hấp bằng máy CPAP và máy thở, ổn định thân nhiệt bé bằng giường sưởi ấm.
Bà Cao Mỹ Kiều, Khóm 2, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, chia sẻ: “Con dâu tôi được chẩn đoán sinh non nên gia đình đưa con đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau theo dõi và sinh bé. Lúc bé sinh có 26 tuần, chỉ nặng 900 gram. Bác sĩ và mọi người rất nhiệt tình, cứu bé và chăm sóc cẩn thận vì bé sinh quá non, quá yếu. Kỹ thuật ở đây rất tốt, sự theo dõi sức khoẻ cho trẻ sinh non rất sát sao. Khi bé được 2 tháng, lên hơn 2 kg, với nhiều lần kiểm tra đảm bảo hết các chỉ số mới được xuất viện".
Thiết bị hiện đại ở Khoa Sơ sinh hiện có 10 máy thở, 10 máy CPAP, 10 máy warmer sưởi ấm và 10 lồng ấp để giúp ổn định cho bé sinh non. Các thiết bị liên tục được kiểm tra và sát trùng, đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, trong năm, Khoa Sơ sinh đều cử các bác sĩ, điều dưỡng... lên các tuyến trên tập huấn về sử dụng máy thở cho trẻ sơ sinh thiếu tháng, thở máy tần số cao... nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn để về phục vụ tốt cho công tác điều trị./.
Lam Khánh - Chí Diện