Chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu (BÐKH), biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đó là quan điểm trong mọi hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng như ở giai đoạn tiếp theo.
- Cuộc chiến dài hơi trước biến đổi khí hậu
- Liên minh Châu Âu đồng hành cùng tỉnh Cà Mau phòng, chống biến đổi khí hậu
- Giúp người dân thích ứng trước biến đổi khí hậu
Quan điểm trên thể hiện rõ trong Kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được ban hành tại Quyết định số 1332/QÐ-UBND.
Tác động của BÐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu, do đó, không còn cách nào khác hơn là phải sống chung và thích nghi, biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội thông qua các giải pháp đồng bộ sát thực tế từng địa phương trong từng giai đoạn.
Ðể chủ động sống chung với BÐKH, thời gian qua, hàng loạt các giải pháp từ công trình cho đến phi công trình được tỉnh triển khai thực hiện. Các công trình trọng điểm trong nỗ lực hành động ứng phó với BÐKH có thể kể đến như: hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An, huyện U Minh; kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; tuyến đê biển Tây có hơn 54 km kè được kiên cố hoá và hơn 80 km kè được xây dựng để bảo vệ bờ biển; hệ thống thuỷ lợi từng bước được hoàn thiện với hơn 93 tuyến đê bao, bờ bao dài hơn 710 km đã được đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, nhiều tiểu vùng được khép kín với hơn 214 cống và 24 trạm bơm; khu vực ven biển có nhiều cảng, bến tàu và khu neo đậu lớn phục vụ neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (Sông Ðốc, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm, Khánh Hội, Bãi Nhỏ đảo Hòn Khoai)...
Tuyến đê biển Tây có hơn 54 km được kiên cố hoá và hơn 80 km kè được xây dựng để bảo vệ bờ biển. (Ảnh chụp tại khu vực hòn Ðá Bạc, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi: Tỉnh luôn dành nguồn ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, khu dân cư để di dời, bố trí, sắp xếp người dân trong vùng thiên tai; các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển nhằm chống xói lở bờ biển, bờ sông... góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngoài ra, thời gian qua, hầu hết các dự án, công trình, mô hình kinh tế... đều có sự lồng ghép yếu tố thích ứng với BÐKH. Chính vì thế, năng lực của cơ sở hạ tầng và ý thức của người dân trong phòng, chống thiên tai ngày một tăng lên.
Như hộ ông Nguyễn Văn Toản, Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, với hơn 10 ao nuôi cá chình và cá bống tượng, để tránh thiếu nước trong mùa khô này, ngay trong thời điểm còn mưa, ông Toản đã chủ động các giải pháp bảo vệ cá nuôi. Tát ao để phân cỡ cá, tuỳ theo từng loại cá và kích cỡ để thả lại vào các ao phù hợp, đồng thời ông sử dụng máy bơm nước vào ao để duy trì mực nước đảm bảo. Nhờ cách làm này mà kể cả trong mùa khô hạn gay gắt năm 2023-2024, các ao cá của gia đình đều không bị thiếu nước.
Người dân xã Thới Bình, huyện Thới Bình, chủ động đưa cơ giới cải tạo vuông, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới.
Không chỉ có giải pháp ứng phó, tỉnh còn triển khai đồng bộ các giải pháp giảm tốc độ của BÐKH. Tiêu biểu trong số đó là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng. Cụ thể, tỉnh đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối, theo cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch gắn liền với phát triển rừng và bảo vệ bờ biển.
Các địa phương huy động tốt nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự đóng góp, tham gia của Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, từ thiện trong công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai...
Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: "Trước thực trạng người dân trên địa bàn xã thường xuyên thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt khi vào mùa khô, song song với tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, xã còn vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ dụng cụ trữ nước ngọt cho bà con. Ðiều đáng mừng là qua công tác vận động đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Ðến thời điểm này, qua rà soát, người dân trên địa bàn xã đảm bảo dự trữ đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt trong mùa khô".
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tiếp tục vận động, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế về nguồn lực tài chính, công nghệ để ứng phó hiệu quả với các tác động của BÐKH...
Công tác ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại đến từ BÐKH liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển theo ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện đều được lồng ghép các giải pháp ứng phó với BÐKH. Ðây là bước tiến đáng mừng, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, tiến tới sống chung với BÐKH.
Kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu đến năm 2050 tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với BÐKH nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh BÐKH và đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Song Nguyễn