Xây dựng phương án cụ thể; có những chỉ đạo sớm, triển khai kịp thời đến cơ sở, đến người dân; công bố thiên tai khi đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp khẩn cấp theo quy định; huy động nguồn lực từ nguồn ngân sách cho đến nguồn tài trợ... là những giải pháp tỉnh đã triển khai thực hiện nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua.
- Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai
- Hỗ trợ gia đình và trường học bị ảnh hưởng do thiên tai năm 2024
- Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai
- Tiến tới cộng đồng an toàn trước thiên tai
- Sông Ðốc cần hỗ trợ thêm nguồn lực phòng, chống thiên tai
Để có những thông tin dự báo thời tiết, thuỷ văn và thiên tai sớm, chính xác, thời gian qua, hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn được đầu tư tăng về số lượng, đặc biệt là đầu tư theo hướng trạm đo tự động. Cùng với việc luôn bám sát bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan khí tượng thuỷ văn khu vực, quốc gia và tham khảo thông tin dự báo quốc tế... công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai của tỉnh đạt độ tin cậy khá tốt, sát thực tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai tương ứng với cơ sở vật chất hiện có.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến thiên tai được đưa đến với người dân nhanh chóng bằng nhiều hình thức, từ các phương tiện thông tin đại chúng, cụm loa phát thanh các ấp, loa di động, cho đến xuống trực tiếp từng nhà dân... Từ đó chủ động phương án ứng phó. Cùng với đó, toàn tỉnh đã cắm được hơn 1.029 biển cảnh báo sạt lở tại trên 681 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Chính nhờ những hành động sớm nói trên đã góp phần quan trọng giảm thiệt hại thiên tai. Ông Ðỗ Minh Ðiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, dẫn chứng, các đợt hạn hán, xâm nhập mặn được cho là lịch sử diễn ra trên địa bàn tỉnh trong khoảng 10 năm qua có cường độ tương đương nhau, nhưng mức độ thiệt hại giảm dần. Nếu thiệt hại mùa khô năm 2015-2016 là trên 1.400 tỷ đồng thì mùa khô 2019-2020 mức độ thiệt hại giảm còn 800 tỷ đồng và mùa khô 2023-2024 thiệt hại khoảng 28 tỷ đồng. Ðó là hiệu quả mang lại từ việc hành động sớm.
Biến đổi khí hậu (BÐKH), hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở ngày càng tác động tiêu cực, mức độ ảnh hưởng lớn gây bất lợi cho sản xuất, sinh hoạt của người dân... Ðể có những chỉ đạo kịp thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban 24/24 theo dõi sát diễn biến thời tiết, thuỷ văn, kịp thời truyền tải đầy đủ thông tin đến người dân.
Như ông Ðiền chia sẻ, trước khi bước vào mùa khô hạn, đánh giá được mức độ nguy hiểm của hạn hán, xâm nhập mặn, Chi cục Thuỷ lợi tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh huy động cả hệ thống chính trị tham gia hành động sớm.
Mô hình tôm - lúa hiện nay đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Thới Bình, bởi không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn được đánh giá là bền vững, thích ứng với BÐKH.
Ðơn vị đã xây dựng phương án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh từ rất sớm, với nhiều kịch bản từ nhẹ đến nặng và được phân chia nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Phương án được xây dựng có trọng tâm trọng điểm, xác định khu vực dễ bị tổn thương để ưu tiên triển khai các giải pháp ứng phó.
Ngay từ tháng 10/2024, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể để giảm thiệt hại cũng đã được triển khai từ rất sớm như: tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất tiết kiệm, kết hợp với giải pháp lịch thời vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày...
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác theo dõi, kiểm tra, rà soát, quản lý, vận hành các công trình thuỷ lợi và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa đưa vào vận hành được diễn ra thường xuyên. Hiện Sở đang tiếp tục đầu tư các công trình thuỷ lợi ứng phó với BÐKH, phục vụ sản xuất. Công tác thuỷ nông nội đồng được quan tâm đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa, nạo vét... từng bước hoàn thiện, chủ động ngăn triều cường nước dâng, kiểm soát ô nhiễm, góp phần ổn định sản xuất nói chung và phòng, chống thiên tai, thích ứng diễn biến bất lợi của thời tiết.
Công tác dự báo, cảnh báo cũng như triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai được tỉnh triển khai từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, hiện nay, đối với một số loại hình thiên tai như dông lốc, sạt lở đất... thường khó dự báo chính xác nên việc dự báo, cảnh báo và phòng tránh từ sớm còn không ít khó khăn. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2045 xác định “Chủ động sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững”.
Dù mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người nuôi cá chình và cá bống tượng tại xã Tân Thành, TP Cà Mau lại đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt nếu xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt.
Theo đó, hàng loạt các giải pháp theo từng khu vực đã được đưa ra và đang được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Tiêu biểu như tăng cường quản lý hoạt động khai thác nước ngầm, xây dựng các khu tái định cư để di dời, sắp xếp lại các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích nghi với điều kiện tự nhiên của các tiểu vùng, thích ứng với BÐKH.
Ðối với các giải pháp công trình, ông Vũ cho biết, tỉnh đang tiếp tục đầu tư, xây dựng tiến tới hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi, phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững. Ðầu tư hệ thống đê biển đảm bảo an toàn chống bão, ngăn triều theo mức thiết kế. Kết hợp công trình giao thông với các công trình thuỷ lợi, tuyến đê biển, đê bao, bờ bao. Triển khai các giải pháp trữ nước ngọt, xây dựng bổ sung các hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều tiết nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn vào vùng ngọt hoá...
Tất cả các giải pháp cùng hướng về mục tiêu chủ động ứng phó, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Trong năm 2024 có hơn 91 km kênh mương, bờ bao thuỷ nông nội đồng được quan tâm đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa, nạo vét... với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tỉnh còn đầu tư xây dựng các dự án, công trình bảo vệ bờ biển, phòng chống sạt lở với chiều dài 28,93 km, tổng mức đầu tư 1.239 tỷ đồng.
Nguyễn Phú