ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 02:17:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lan toả yêu thương từ hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”

Báo Cà Mau

Trên khắp các vùng biển của Tổ quốc, nơi ngư dân ngày đêm vươn khơi giữ nghề truyền thống giữa trùng khơi sóng dữ, bên cạnh họ luôn có những người lính biển âm thầm sát cánh, sẻ chia từng khó khăn, hoạn nạn. Một trong những hoạt động đầy tính nhân văn, lan toả yêu thương và trách nhiệm cộng đồng mà Quân chủng Hải quân đang thực hiện thời gian qua chính là hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”.

Tại Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - đơn vị đóng quân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, hoạt động đã được triển khai sâu rộng, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân và cấp uỷ, chính quyền địa phương.

- Ảnh 1: Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trao quyết định hoạt động Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân tại tỉnh Cà MauLãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trao quyết định Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân tại tỉnh Cà Mau.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa, cách thức triển khai cũng như những câu chuyện xúc động xoay quanh hoạt động đầy nhân văn này, cộng tác viên (CTV) Báo Cà Mau có cuộc phỏng vấn với Đại tá Ngô Văn Thành, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.

- Thưa đồng chí, được biết “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” là hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn, đã và đang được Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân triển khai hiệu quả. Xin đồng chí cho biết cụ thể về nội dung cũng như cách thức thực hiện hoạt động này?

Đại tá Ngô Văn Thành: “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” là một hoạt động thắm tình quân dân do Quân chủng Hải quân phát động và triển khai tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước. Mục đích của hoạt động là nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các cháu dưới 18 tuổi là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là những trường hợp mồ côi; cha mẹ bị tai nạn, thương tích trong quá trình mưu sinh trên biển, mất khả năng lao động hoặc những cháu thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn.

Chúng tôi xác định đây không chỉ là hoạt động giúp đỡ đơn thuần mà còn là trách nhiệm, nghĩa tình thiêng liêng của người lính biển đối với bà con ngư dân. Qua đó, vừa kịp thời hỗ trợ, tiếp thêm nghị lực giúp các cháu vượt qua hoàn cảnh, yên tâm học tập, phấn đấu vươn lên, vừa góp phần củng cố tình đoàn kết quân dân, tạo nền tảng để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng lực lượng Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Ảnh 2: Thượng tá Đặng Trọng Sơn, Phó Chính ủy Trung đoàn 551 động viên con ngư dân đơn vị nhận đỡ đầu học tậpThượng tá Đặng Trọng Sơn, Phó Chính uỷ Trung đoàn 551, động viên con ngư dân đơn vị nhận đỡ đầu học tập.

Đối với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Vùng khảo sát, lập danh sách và nhận đỡ đầu 4 cháu là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Các cháu được hỗ trợ kinh phí thường xuyên 500.000 đồng mỗi tháng, cùng sách vở, đồ dùng học tập, y tế, nhu yếu phẩm và nhiều hoạt động đồng hành, chăm sóc cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Kinh phí thực hiện hoạt động này được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chắt chiu, tiết kiệm từ nguồn tăng gia sản xuất.

- Thưa đồng chí, với vai trò là Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đồng chí đánh giá thế nào về hiệu quả, ý nghĩa của hoạt động này đối với cộng đồng ngư dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc?

Đại tá Ngô Văn Thành: Có thể nói, hoạt động này thực sự là điểm sáng nhân văn, là nhịp cầu nối bền chặt giữa người lính biển với Nhân dân. Không chỉ mang lại giá trị vật chất thông qua các suất học bổng, hỗ trợ y tế, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm mà điều đáng quý hơn chính là tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia chân thành được lan toả đến từng gia đình, từng cháu nhỏ kém may mắn.

Nhiều gia đình ngư dân đã được tiếp thêm sức mạnh, vơi bớt phần nào gánh nặng cuộc sống nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành kịp thời của lực lượng Hải quân. Có những cháu từng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học, nhưng nhờ hoạt động này, các cháu không những tiếp tục được đến trường mà còn trở thành những tấm gương vượt khó tiêu biểu trong cộng đồng. 

Quan trọng hơn cả, hoạt động này đã góp phần thắt chặt tình quân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các tổ chức chính trị - xã hội đối với những mảnh đời khó khăn vùng biển, đảo. Từ đó, người dân thêm gắn bó, tin tưởng, sẵn sàng cùng bộ đội giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Trong quá trình thực hiện chương trình, chắc hẳn có những hoàn cảnh đặc biệt khiến đồng chí và cán bộ, chiến sĩ xúc động, ghi nhớ sâu sắc?

Đại tá Ngô Văn Thành: Đúng vậy, mỗi trường hợp mà chúng tôi nhận đỡ đầu đều là một câu chuyện đời đặc biệt, đầy xúc động. Tôi xin kể vài trường hợp điển hình.

Như cháu Lã Mai Thuỳ Linh, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, bố cháu mất vì tai nạn giao thông khi vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, mẹ cháu bỏ nhà đi biệt tích, để lại hai chị em sống nương tựa vào bà nội tuổi cao sức yếu. Ngày chúng tôi đến thăm, căn nhà nhỏ xập xệ, đơn sơ, trống trải, thiếu thốn đủ bề. Từ khi được Trung đoàn 551 (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) và Nhà máy X55 (Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân) nhận đỡ đầu, các cháu được hỗ trợ kinh phí, sách vở, thuốc men, nhu yếu phẩm và thường xuyên được bộ đội đến thăm hỏi, động viên như người thân. Giờ đây, các cháu đã tự tin, chăm ngoan, học tập tiến bộ rõ rệt.

Một hoàn cảnh khác là cháu Lê Mỹ Duyên, ở phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Gia đình cháu thuộc diện khó khăn, phải ở nhờ nhà người thân. Bố cháu Duyên làm nghề đi biển, mẹ không có việc làm ổn định. Duyên là chị cả trong gia đình có bốn chị em, trong đó một em bị rối loạn phát triển. Cuộc sống khó khăn của gia đình từng khiến Duyên có ý định nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Hiểu được hoàn cảnh đó, Lữ đoàn 127 (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) đã nhận đỡ đầu cháu Duyên, hỗ trợ đều đặn mỗi tháng, đồng thời thường xuyên động viên, tiếp thêm niềm tin cho cháu. Nhờ vậy, Duyên không chỉ tiếp tục đến trường mà còn nhiều năm liền là học sinh giỏi. Ngôi nhà nhỏ mỗi lần bộ đội ghé thăm lại rộn rã tiếng cười, ánh mắt cháu Duyên ánh lên niềm tin vào tương lai tươi sáng.

- Ảnh 4: Thượng tá Đặng Trọng Sơn, Phó Chính ủy Trung đoàn 551 tặng quà gia đình ngư dân có con được đơn vị nhận đỡ đầu Thượng tá Đặng Trọng Sơn, Phó Chính uỷ Trung đoàn 551, tặng quà gia đình ngư dân có con được đơn vị nhận đỡ đầu.

- Để hoạt động này tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả và lan toả sâu rộng, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân có những kế hoạch, định hướng gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đại tá Ngô Văn Thành: Chúng tôi xác định thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” là một  quá trình lâu dài. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của các hộ ngư dân và các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó, lập danh sách cụ thể và từng bước nhận đỡ đầu thêm nhiều trường hợp nữa.

Song song với việc hỗ trợ kinh phí, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm, y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động thăm hỏi, động viên, đồng hành với các cháu như người thân trong gia đình. Mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ trở thành người cha, người anh, người bạn lớn của các cháu, tiếp thêm nghị lực để các cháu vượt qua khó khăn, vững tin vươn lên trong học tập, rèn luyện, trở thành những công dân tốt.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia để phong trào lan toả sâu rộng hơn. Qua đó, tạo thành mạng lưới nhân ái, cùng chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ nơi biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nơi đầu sóng ngọn gió.

- Xin cảm ơn Đại tá Ngô Văn Thành về những chia sẻ đầy tâm huyết. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2025), chúc đồng chí và cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục viết thêm những câu chuyện đẹp về tình quân dân giữa trùng khơi sóng gió!                       

 

                                                                   Văn Định thực hiện

 

Hơn 50 triệu đồng hỗ trợ cho các gia đình bị hoả hoạn

Sáng 6/5, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Năm Căn phối hợp với UBND thị trấn năm Căn đến trao tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng trong vụ hoả hoạn xảy ra vào ngày 28/3 tại Khóm 1, thị trấn Năm Căn.

Nền tảng xây dựng nông thôn hiện đại

Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 14/10/2022 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Cà Mau, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Bởi, nghị quyết này không chỉ xác định mục tiêu rõ ràng mà còn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, phát triển kinh tế bền vững và xây dựng diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại.

Giúp trẻ mắc sởi nhanh phục hồi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, chán ăn. Trong quá trình điều trị và phục hồi sau sởi, dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chế độ ăn uống đầy đủ và hợp lý không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng, mà còn góp phần bù đắp lượng dinh dưỡng đã mất, hỗ trợ cơ thể nhanh chóng phục hồi và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Ðiển hình cựu chiến binh học và làm theo lời Bác

“Trong những năm qua, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan toả mạnh mẽ trong các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Cà Mau nói chung, CCB xã Lý Văn Lâm nói riêng. Nhiều cán bộ, hội viên đã trở thành những tấm gương sáng, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Một trong những điển hình tiêu biểu là ông Bùi Trung Thành, 72 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Xóm Lớn”, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chủ tịch Hội CCB xã Lý Văn Lâm, cho biết.

Lan toả tuyến đường cờ Tổ quốc

Về xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, đi dọc theo các tuyến đường nông thôn, dễ dàng bắt gặp những lá cờ Tổ quốc tung bay theo gió. Treo cờ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá, thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, góp phần tô điểm cho bức tranh nông thôn mới (NTM) thêm rực rỡ.

Cà Mau có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ngày 5/5, Văn phòng UBND tỉnh có thông báo về ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại cuộc họp Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã Phú Thuận (huyện Phú Tân); xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình) và xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 vào ngày 29/4 vừa qua.

Thi đua vì sức khoẻ Nhân dân

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HÐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế giao hằng năm, ngành y tế Cà Mau xác định công tác thi đua, khen thưởng là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, phát huy sức mạnh đoàn kết, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nghĩa tình từ những căn nhà Ðồng đội

Thời gian qua, phong trào xây dựng nhà Ðồng đội cho hội viên cựu chiến binh (CCB) có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở luôn được Hội CCB các cấp TP Cà Mau triển khai và thực hiện rất hiệu quả. Mỗi năm, những căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo trong hội viên dần được thay thế bằng những căn nhà Ðồng đội khang trang, ấm áp.

Tìm giải pháp căn cơ phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các sản phẩm KH&CN (bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động KH&CN). Phát triển thị trường KH&CN sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hoá, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau phát triển thị trường KH&CN vẫn chưa được đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.

Chuyến xe thiện nguyện

“Chị không mê gì, chỉ mê làm từ thiện. Có phước là có tiền, nhưng có tiền phải song hành với phước”, chị Trần Ngọc Vẹn, thành viên cốt cán của Nhóm thiện nguyện Ánh Ðạo Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), chia sẻ với chúng tôi khi bắt đầu câu chuyện về hành trình thiện nguyện của nhóm và những chuyến xe cứu thương cứu sống bao nhiêu con người khốn khó.