(CMO) Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã triển khai từ nhiều năm trước, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Cà Mau số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ tăng nhanh từ năm 2019, với hơn 9.000 người tham gia, đến năm 2020 có trên 22.000 người tham gia và cuối năm 2021 toàn tỉnh có gần 27.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Qua đó cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện được nhiều người dân quan tâm, đặc biệt là những người lao động tự do có điều kiện tham gia nhằm tích luỹ khi về già.
Qua công tác tuyên truyền thời gian qua, người dân đã nhận thức rõ đây là chính sách ưu việt để giảm bớt những khó khăn khi bản thân hết tuổi lao động, vì khi đó được nhận lương hưu, được cấp thẻ BHYT miễn phí phục vụ khám sức khoẻ, được nhận các chế độ tử tuất. Hàng năm, Chính phủ luôn quan tâm đến đối tượng có lương hưu thấp sẽ được điều chỉnh, đảm bảo cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng về ngân sách cho địa phương, vì hiện nay ngân sách của tỉnh phải mua BHYT cho những người trên 80 tuổi.
Cô Lê Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Xanh, Phường 6, TP Cà Mau, chia sẻ: “Nhà trường đã tuyên truyền đến tất cả nhân viên về BHXH tự nguyện và có một số giáo viên cũng đã tham gia cho người thân. Riêng bản thân tôi có tham gia cho chồng và mẹ chồng. Do mẹ tuổi đã cao nên đóng thời hạn 5 năm, còn chồng thì tham gia BHXH tự nguyện để sau này nhận lương hưu, không phụ thuộc vào con cháu. Thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh trong trường, những người xung quanh ở địa phương”.
Giáo viên Trường Mầm non Trúc Xanh, Phường 6, TP Cà Mau, tích cực tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. |
Ðể chính sách BHXH tự nguyện được lan toả, giúp những người lao động tự do được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già, được chăm sóc sức khoẻ với mức quyền lợi lên tới 95% chi phí do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống, đã qua, bên cạnh việc phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền để giáo viên trong trường học tham gia cho người thân thì một số địa phương đã vận động người có uy tín trên địa bàn cùng tham gia tuyên truyền và đã phát huy được hiệu quả.
Ông Lê Văn Chân, cán bộ hưu trí ấp Kênh 8, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, cho biết: “Sau khi nghỉ hưu, thấy sức khoẻ còn tốt nên tôi tiếp tục tham gia kiêm nhiệm công tác hội ở xã, ấp. Bản thân là cán bộ hưu trí, đang hưởng lương hưu cũng từ nguồn bảo hiểm. Do vậy, khi thấy được quyền lợi sau này khi tham gia BHXH tự nguyện nên tôi đã vận động con cháu trong gia đình tham gia, sau đó vận động bà con lối xóm, được bà con đồng tình. Bản thân tôi chỉ mong muốn làm thế nào để khi về già mọi người đều được hưởng lương hưu, như một điểm tựa an sinh, không là gánh nặng cho con cháu hay gánh nặng cho Nhà nước”.
Mặc dù chính sách BHXH tự nguyện đã lan toả được trong dân, tuy nhiên, đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có trên 21.000 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm trên 5.000 người so với cuối năm 2021. Nguyên nhân là do điều chỉnh mức đóng của chuẩn nghèo đa chiều. Do gánh nặng về nộp tiền hàng tháng nên một số người dừng đóng. Mặc dù ngành BHXH tỉnh đã vận động thêm nhiều người tham gia nhưng do số người giảm sâu nhiều hơn số người khai thác mới.
Ông Lê Hùng Cường, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết, để tiếp tục phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, những tháng cuối năm, BHXH tỉnh đề ra nhiều giải pháp, nhưng giải pháp căn cơ nhất là tuyên truyền để người dân thấy được việc tăng mức đóng thì tăng mức hưởng. Theo đó, giao từng đại lý thu, phối hợp xã, phường vận động người dân tiếp tục tham gia để đạt chỉ tiêu năm 2022.
"Bên cạnh đó, BHXH phối hợp với Sở LÐ-TB&XH, một số ban, ngành trình UBND tỉnh, trình HÐND tỉnh xin hỗ trợ thêm một phần mức đóng, vì nguyên nhân một phần sụt giảm là hộ nghèo, cận nghèo… tăng mức đóng tăng thêm gánh nặng cho gia đình, nên BHXH tích cực phối hợp trình HÐND tỉnh hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội lâu dài”, ông Lê Hùng Cường cho biết thêm./.
Phúc Duy