Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trở thành một hoạt động thi đua sôi nổi, được đông đảo chị em trong ngành GD&ĐT tích cực hưởng ứng và đạt hiệu quả thiết thực. Qua nhiều năm phát động, phong trào này không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài mà còn có những đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trở thành một hoạt động thi đua sôi nổi, được đông đảo chị em trong ngành GD&ĐT tích cực hưởng ứng và đạt hiệu quả thiết thực. Qua nhiều năm phát động, phong trào này không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài mà còn có những đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Hiện toàn ngành giáo dục có trên 18.400 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó nữ chiếm hơn 53%. Dù phải đảm đương nhiều nhiệm vụ cùng lúc và lo toan tổ ấm gia đình, chị em luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 5 năm qua, có 21 chị là cán bộ quản lý của ngành học cao học, 16 chị học cao cấp chính trị, trên 2.000 chị học trung cấp chính trị… Tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên (CBGV) đạt chuẩn, vượt chuẩn ngày càng nâng lên, năm sau cao hơn năm trước.
Tạo cơ hội
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau Ðặng Thuỳ Phương cho biết, để phong trào thi đua phù hợp với đặc thù ngành nghề, công đoàn ngành đã triển khai thực hiện lồng ghép với phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt" và các cuộc vận động lớn. Ðồng thời, các đơn vị, trường học đã tổ chức các hội thi, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ, với những chủ đề có nội dung sâu sắc, bổ ích giúp chị em nâng cao tay nghề, sự hiểu biết và tạo cơ hội để chị em thể hiện tài năng.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, đội ngũ nữ CBCC-VC Công đoàn cơ sở Trường THPT Đầm Dơi không ngừng phấn đấu, nỗ lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của đơn vị. |
Ðặc biệt, 5 năm qua, phong trào tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ ngày càng trở thành yêu cầu thường xuyên và tự giác trong đội ngũ nữ CBGV. Ban nữ công Công đoàn ngành tham mưu với Ban Thường vụ và lãnh đạo ngành xây dựng kế hoạch phát triển cán bộ quản lý nữ; khuyến khích nữ tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và chính trị đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, luôn tạo các điều kiện, cơ hội thuận lợi để đội ngũ nữ nhà giáo của ngành nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, nghiệp vụ quản lý, kiến thức gia đình.
Từ trong phong trào "Hai giỏi" đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu. Các trường có tỷ lệ nữ cao như: THPT Hồ Thị Kỷ, Cao đẳng Y tế, THPT Ðầm Dơi, THPT Cà Mau, THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển nhiều năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến hoặc tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.
Chị Huỳnh Cẩm Hiền, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Ðầm Dơi, cho biết, yếu tố thành công tiên quyết trong việc giữ vững danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục Cà Mau suốt 17 năm liền chính là sự đoàn kết và hết lòng vì công việc của cả tập thể sư phạm, học sinh, đặc biệt là sự đóng góp không nhỏ của tổ chức công đoàn. Ðể thu hút chị em tham gia phong trào “Hai giỏi”, vào đầu mỗi năm học, công đoàn trường tổ chức cho 100% CBGV nữ đăng ký tham gia và tự đưa ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể cho bản thân.
Vào các dịp kỷ niệm 8/3, 20/10, công đoàn tổ chức bình xét và công nhận danh hiệu “Hai giỏi”, hoặc “Nữ hai giỏi có tinh thần vượt khó” cho chị em. Ðến cuối năm học có đánh giá những ưu điểm cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai phong trào ngày càng hiệu quả hơn. “Công đoàn trường có hơn 40 chị, số tuổi trung bình 30-35, đa số đều có con nhỏ. Mặc dù mỗi chị một hoàn cảnh, có chị phải một mình nuôi con vì chồng công tác xa, hoặc nhà cách xa trường… song, tinh thần vượt khó của các chị rất lớn. Minh chứng là chưa có chị nào “đủ điều kiện” nhận “Mái ấm công đoàn” dù nhà trường luôn tổ chức thực hiện rất tốt”, chị Hiền chia sẻ. Bản thân chị Hiền cũng chính là một tấm gương sáng. Hiện chị là giáo viên giỏi cấp tỉnh và là giáo viên luôn có thành tích ổn định về học sinh giỏi của Trường THPT Ðầm Dơi. Chị Hiền còn là người vợ, người mẹ đảm đang khi có một gia đình hạnh phúc, với cô con gái lớn 8 năm liền là học sinh giỏi, bé út năm nay vào lớp chồi.
Nhiều gương điển hình
Ngoài ra, còn rất nhiều điển hình tiên tiến khác. Nhiều chị đã vượt qua những cảnh ngộ của cuộc sống đời thường để đạt thành tích cao trong giảng dạy, quản lý, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Nhiều chị em đã âm thầm với công việc, với học sinh như: chị Thái Thị Ngọc Bích, Phó Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên; chị Phan Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ; chị Phan Thu Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển; chị Nguyễn Nga, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật…
Giỏi việc trường, làm tròn trọng trách của người vợ, người mẹ, các chị vừa làm kinh tế gia đình giỏi, vừa giúp đồng nghiệp và bà con lối xóm làm kinh tế phụ giỏi như chị Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sông Ðốc; chị Hà Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, huyện Cái Nước; chị Lê Thị Yến Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau… Bên cạnh đó, Ban nữ công tham mưu với chính quyền, công đoàn bảo lãnh tín chấp, làm đề án phát triển kinh tế, ưu tiên cho phụ nữ vay vốn từ “Quỹ quốc gia giải quyết việc làm”, “Quỹ vì nữ CNVC-LÐ nghèo”, “Quỹ tương trợ công đoàn”, vay ở các ngân hàng Nhà nước để chị em phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài lĩnh vực làm kinh tế giỏi, các chị còn tích cực tham gia công tác xã hội, có quan hệ ứng xử tốt với bà con lối xóm.
Thành công của phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” không chỉ dừng lại ở số lượng chị em tham gia mà còn được khẳng định ở chất lượng chuyên môn, chất lượng cuộc sống, sự ấm no, hạnh phúc. Ðiều này đã tác động thiết thực đối với sự phát triển của ngành giáo dục./.
Bài và ảnh: Băng Thanh