(CMO) “Ðối thoại để nghe hộ nghèo, cận nghèo cần gì” là cách làm thiết thực được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) triển khai trước và sau khi đã rà soát, tổng hợp sơ bộ danh sách hộ nghèo, cận nghèo của năm 2022. Hình thức đối thoại trực tiếp không chỉ giúp hộ nghèo được cung cấp thông tin các chế độ hỗ trợ của địa phương về công tác giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được bày tỏ nguyện vọng của mình với ngành chức năng để có thêm động lực, nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm nay, trong kế hoạch truyền thông về công tác giảm nghèo, ngoài những hoạt động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, Sở LÐ-TB&XH xác định cần phải đi sâu tuyên truyền các chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, sở tiến hành lập kế hoạch và đã tổ chức được 6 cuộc đối thoại liên quan đến chính sách giảm nghèo ở 6 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của đối thoại chính sách giảm nghèo là giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nắm tình hình triển khai, xem những chính sách đó có đến được người dân hay không, có kịp thời, đầy đủ, cũng như hiệu quả. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ, làm sao để người dân tiếp cận một cách tốt nhất các chính sách của Ðảng và Nhà nước đã ban hành.
Hộ ông Ðỗ Tấn Ðức (người ngồi), Ấp 11, xã Nguyễn Phích tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng cây ăn trái và nuôi cá nước ngọt, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. |
Buổi đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vừa diễn ra tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Dù có con nhỏ, không người trông nom, điều kiện đi lại khó khăn nhưng chị Nguyễn Yến Linh, Ấp 9, xã Nguyễn Phích vẫn tranh thủ đến dự. Chị mong muốn được nghe, được biết các thông tin về các chế độ, chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, chính sách đặc thù của địa phương về công tác giảm nghèo, về người nghèo, cận nghèo. Hơn hết là được gặp gỡ trực tiếp ngành chức năng để bày tỏ nguyện vọng vươn lên chính đáng của mình.
Chị Linh chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 3 đứa con nhỏ, nhà không có đất, chồng tôi làm nghề chở cây mướn, mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000-300.000 đồng nhưng một tháng giỏi lắm chỉ được hơn 10 ngày có việc làm. Kinh tế khó khăn, nhà ở tạm bợ, hiện giờ tôi mong được hỗ trợ phần đất ở với căn nhà để có chỗ nơi sinh sống ổn định hơn. Năm 2021, đợt dịch bùng phát, gia đình quá khó khăn, tôi viết đơn xin xã xét cho hộ nghèo. Vợ chồng tôi hiện thu nhập bấp bênh quá, nên chưa thoát được nghèo. Tôi cũng mong được tạo điều kiện vay vốn buôn bán, có đồng ra đồng vô, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Những năm qua, Ðảng bộ và chính quyền xã Nguyễn Phích rất quan tâm công tác giảm nghèo. Riêng năm nay, từ đầu năm xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, khảo sát đánh giá đối với từng tiêu chí như số hộ nghèo, nghèo về vấn đề gì, thiếu hụt gì để địa phương nắm bắt, kịp thời điều chỉnh hoặc hỗ trợ để phấn đấu giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn xã có 18.850 hộ, theo kết quả rà soát, hiện còn 651 hộ nghèo, chiếm gần 14%; cận nghèo 80 hộ, chiếm gần 2%. Kết quả giảm nghèo năm 2022 đạt chỉ tiêu Nghị quyết Ðảng uỷ đề ra.
Ông Võ Văn Liêu, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của xã còn gần 14%, so với mặt bằng chung thì cũng còn cao. Thời gian tới, xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo đối với các ấp. Hiện nay, qua khảo sát đánh giá cho thấy, các hộ nghèo gặp khó khăn trước hết là về đất sản xuất, tiếp đến là vấn đề nhà ở và việc làm. Theo đó, cần phải xác định cụ thể từng trường hợp để có sự hỗ trợ phù hợp. Năm 2023, xã đặt mục tiêu giảm từ 3-4% hộ nghèo”.
“Trong buổi đối thoại, nhiều người dân đặt ra các ý kiến hết sức thiết thực xoay quanh nội dung giảm nghèo. Ðối với mong muốn của bà con về vay vốn chính sách, trong trách nhiệm của địa phương, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các đoàn thể để xem xét những trường hợp đủ điều kiện để hỗ trợ họ tiếp cận được nguồn vốn, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, tạo động lực cho họ thoát nghèo”, ông Võ Văn Liêu cho biết thêm.
Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của xã Nguyễn Phích còn gần 14%, địa phương đặt mục tiêu trong năm 2023 giảm từ 3-4% hộ nghèo. (Trong ảnh: Nhiều người dân ở Ấp 3, xã Nguyễn Phích làm nghề vác tràm thuê, thu nhập bấp bênh). |
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, cho biết: “Buổi đối thoại ghi nhận nhiều ý kiến bà con trao đổi, tương tác, qua đó nổi lên nhiều vấn đề, đặc biệt là các quy trình hỗ trợ chính sách cho bà con cần phải rõ ràng và hiệu quả. Thông qua đối thoại cũng cho thấy sự cố gắng của các cơ quan quản lý trong việc giúp bà con nắm và tiếp cận được chính sách”.
Thời gian qua, Sở LÐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp tại 6 xã, gồm: Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Thuận, huyện U Minh; xã Ngọc Chánh, Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi và xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với sự tham dự của hơn 500 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Qua các buổi đối thoại, mọi người hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Ðặc biệt, buổi đối thoại là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng triển khai các hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, thực sự tạo được "đòn bẩy" giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai từ tháng 9/2022. Theo đó, Cà Mau đã thực hiện tổng rà soát 307.216 hộ tại địa bàn 9 huyện, TP Cà Mau. Theo báo cáo sơ bộ của Sở LÐ-TB&XH - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo tỉnh, kết quả rà soát sơ bộ đến ngày 16/11/2022, toàn tỉnh có 7.268 hộ nghèo, chiếm 2,37%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giảm 2.336 hộ so với năm 2021); cận nghèo 5.897 hộ, giảm hơn 1.000 hộ so với năm 2021. Ðịa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong toàn tỉnh là TP Cà Mau với 0,35%; huyện U Minh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chiếm 7,6%.
Vũ Trân