Từ năm 2016, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thời gian qua, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh được đầu tư nhiều trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực để thực hiện điều trị các bệnh lý về ung thư. Ðiều này đem lại hiệu quả điều trị cũng như giảm chi phí cho bệnh nhân và người nhà, nhất là đối với bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
- Bệnh ung thư đang tăng cao
- Ăn uống lành mạnh ngăn ngừa ung thư
- Điều trị ung thư phải theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa
- Ung thư và những căn nguyên cần biết
Hiện nay, Bệnh viện Ða khoa tỉnh cơ bản thực hiện điều trị gần giống như bệnh viện tuyến trên đối với các loại bệnh ung thư đường tiêu hoá, dạ dày, đại tràng; ung thư tuyến giáp, tuyến vú; ung thư động mạch cổ, tiền liệt tuyến, trực tràng...
Ðối với việc điều trị bằng phương pháp hoá trị, đã thực hiện được hầu hết trên các loại bệnh ung thư trong giai đoạn cần thực hiện bằng phương pháp này.
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh điều trị bằng phương pháp nội khoa cho hầu hết các bệnh ung thư như bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Chuyên khoa II Châu Tấn Ðạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, cho biết: “60% bệnh lý ung thư cần phải phối hợp các liệu pháp điều trị gồm mổ, hoá trị, xạ trị. Do đó, trước đây, khi bệnh viện chưa được đầu tư máy xạ trị thì các giai đoạn bệnh cần xạ trị phải chuyển tuyến trên. Có những người mổ xong phải chuyển tuyến trên để xạ trị, có người thì đi thẳng tuyến trên điều trị từ đầu. Từ khi được đầu tư khu xạ trị, cũng như được chuyển giao công nghệ điều trị đến nay, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu điều trị các loại bệnh ung thư trên địa bàn tỉnh, giảm được chi phí, công sức cho bệnh nhân và người nhà”.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân trong tỉnh, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh còn điều trị cho bệnh nhân các tỉnh lân cận: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.
Chị B.T.Ph, ngụ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, bị ung thư vú giai đoạn 1, phải xạ trị, thông qua sự chỉ dẫn của người quen, chị đã tìm đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau để điều trị. Chị Ph chia sẻ: “Tôi đã xạ trị một lần rồi, thấy bệnh viện làm việc rất tốt. Ðiều trị ở đây gần nhà, lại giảm bớt chi phí đi lại, đỡ tốn thời gian đợi như đi các bệnh viện tuyến trên”.
Tương tự, những bệnh nhân cùng phòng với chị cũng đến từ các tỉnh lân cận, mong được tiếp cận các dịch vụ, phương pháp điều trị ung thư gần nơi cư trú hơn, đồng thời giảm được chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi trong quá trình điều trị.
Thực tế cho thấy, việc được điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện tuyến tỉnh đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bên cạnh đó cũng tạo tâm lý thoải mái hơn cho người nhà bệnh nhân và người bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả trong điều trị.
Sức chứa các giường bệnh tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần như quá tải.
Hiện nay, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh gần như quá tải, với số lượng bệnh nhân trên 100 bệnh/60 giường thực kê. Do đó, để nâng cao hiệu quả điều trị tại bệnh viện tuyến cơ sở, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời chuyển giao công nghệ mới, góp phần đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân.
Bác sĩ Chuyên khoa II Châu Tấn Ðạt cho biết thêm: “Hiện nay, bệnh viện thực hiện được những xét nghiệm hoá mô miễn dịch, tức là xét nghiệm những đột biến để sắp tới đây điều trị theo phương pháp mới là phương pháp sinh học nhắm trúng đích, hay sẽ triển khai phương pháp bảo tồn, cũng như tái tạo tuyến đối với bệnh ung thư vú... góp phần nâng dần chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.
Việc điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện tuyến tỉnh đã và đang mang lại nhiều lợi ích tích cực, nhất là đối với các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn đầu hoặc cần chăm sóc giảm nhẹ. Do đó, người nhà bệnh nhân và người bệnh cần tìm hiểu kỹ các thông tin về bệnh, không nóng vội lên tuyến trên, mà nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định nơi điều trị phù hợp./.
Lê Chí