ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-4-25 11:39:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lời ngỏ với quê hương

Báo Cà Mau (CMO) Hai năm một lần, Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Cần Thơ (Ban) tổ chức họp mặt, báo cáo kết quả hoạt động đến các thành viên. Năm nay, do dịch Covid bùng phát, lây lan phức tạp, nên việc gặp gỡ quây quần đón xuân mới Nhâm Dần cũng như tổng kết các hoạt động đành tạm hoãn. Tuy nhiên, Ban đã hoàn thành và gửi đến bà con, cô bác, anh chị em, những người con Cà Mau - Bạc Liêu đang sinh sống tại TP Cần Thơ báo cáo hoạt động 2 năm, 2020-2021. Ði cùng với kết quả hoạt động, báo cáo còn hàm chứa thông điệp: Cho dù bất cứ hoàn cảnh, điều kiện gì, những người con Cà Mau - Bạc Liêu luôn hướng về xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn với tất cả tấm lòng.

Những việc làm với quê hương…

7 tỷ 500 triệu đồng là số kinh phí được Ban huy động, vận động các mạnh thường quân và bà con đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu đang sinh sống, công tác tại TP Cần Thơ ủng hộ, đóng góp trong 2 năm (2020-2021). Theo đó, Ban kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và xây dựng một số công trình dân sinh, phục vụ cộng đồng ở quê nhà.

Tại Cà Mau, bà Huỳnh Thị Cúc, vợ liệt sĩ, ở Phường 4, TP Cà Mau, được trao căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng. Nhận ngôi nhà mới, bà Cúc rưng rưng: “Tình cảm của bà con đồng hương dành cho tôi và quê hương thiệt là ấm áp”.

Tại xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, thừa uỷ quyền của Công ty Minh Hiền và Hiệp hội Cửa Việt Nam, Ban đã trao 1 cây cầu trị giá 328 triệu đồng và 1.300 tấm lợp. Thay mặt cấp uỷ, chính quyền, ông Ðỗ Văn Sử, Bí thư Ðảng uỷ xã, bày tỏ: “Món quà của Ban tặng giúp xã có thêm những công trình an sinh, rất quý. Chúng tôi cảm ơn tình cảm của bà con đồng hương”. Trong 2 năm, huyện Trần Văn Thời có 15 hộ nghèo được Ban tặng mái ấm khang trang (mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng).

 Em Tô Thành Ðạt, học sinh lớp 11C4, Trường Nguyễn Việt Khái, huyện Cái Nước hoàn cảnh rất bi thương. Mẹ mất, cha bệnh hiểm nghèo, không đủ sức đến trường. Ðúng lúc đó, Ban vận động các doanh nghiệp hỗ trợ em 30 triệu đồng.

Sinh viên Ðoàn Tấn Thành, Trường Ðại học Cần Thơ, quê ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bị bệnh rất nặng. Biết gia cảnh của Thành khó khăn, Ban kết hợp cùng Chi hội Sinh viên nhà trường vận động các mạnh thường quân và cô bác, anh chị em đồng hương ủng hộ 250 triệu đồng, cứu Thành vượt qua cửa tử.

Tại Bạc Liêu, trong 2 năm, Ban đẩy mạnh vận động mạnh thường quân và bà con trong Ban tham gia đóng góp vật chất hỗ trợ quê hương. Qua đó, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân được tặng 1 xe cấp cứu trị giá 250 triệu đồng; hơn 200 hộ nghèo ở Phước Long được tặng quà Tết (mỗi suất trị giá 300.000 đồng). Tại các huyện: Hoà Bình, Ðông Hải và Hồng Dân, Ban vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, xây dựng 5 cây cầu và gần 20 hộ chính sách được tặng nhà ở.

Dường như tình quê hương, nghĩa cội nguồn của những người con Cà Mau - Bạc Liêu dành tặng quê hương, cũng như chia sẻ với bà con đồng hương sinh sống, làm việc tại TP Cần Thơ, càng thêm đong đầy trong mùa đại dịch. Chỉ riêng sinh viên Cà Mau - Bạc Liêu đang học tại các trường đại học ở TP Cần Thơ đã ủng hộ vật chất, mua nhu yếu phẩm giúp 100 sinh viên Cà Mau - Bạc Liêu sống trong khu phong toả; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Ðoàn cơ sở xã Vĩnh Phú Ðông, huyện Phước Long, trị giá hơn 7 triệu đồng.

Về việc làm của nhóm, anh Nguyễn Minh Khoa, Uỷ viên Câu lạc bộ Truyền thông Hội đồng hương, bộc bạch: “Ngay sau khi vận động, đông đảo sinh viên đồng hương không chỉ nhiệt tình đóng góp vật chất, mà còn hăng hái tham gia đi trao nhu yếu phẩm cho sinh viên trong vùng phong toả. Việc làm của chúng tôi dẫu khiêm nhường nhưng đã kết nối tình cảm của những người con xa quê thêm thắt chặt”.

Trong những ngày dịch Covid bùng phát, lây lan tại các tỉnh miền Tây, Ban vận động mạnh thường quân đóng góp hơn 500 triệu đồng mua nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ y tế tặng chốt kiểm dịch các địa phương. Ngoài ra, vận động cô bác, anh chị đồng hương hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 2.000 lượt sinh viên và người lao động sống trong các khu phong toả. Ðồng thời, hỗ trợ 6 bếp ăn tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh Bạc Liêu. Ðón nhận số nhu yếu phẩm do Ban tặng, bà Phạm Hồng Nhung, cán bộ Ban Dân vận thị trấn Gành Hào, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, xúc động: “Giữa lúc dịch giã, đồng hương không quản ngại khó khăn, vượt đường xa chở đến bếp ăn thị trấn hàng chục món quà, chúng tôi rất biết ơn cô bác”.

Bên cạnh việc tri ơn cội nguồn, xứ sở, 2 năm qua, Ban luôn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. Theo Ðại tá, Bác sĩ Lý Việt Hùng, Phó trưởng Ban, Ban đã phối hợp cùng một số đơn vị y tế thực hiện phẫu thuật miễn phí, đục thuỷ tinh thể cho gần 100 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Hậu Giang; vận động các doanh nghiệp khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho hơn 620 trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn TP Cần Thơ.

… Còn nhiều nghĩa cử nhân văn, việc làm tình nghĩa vì quê hương, vì cộng đồng của những người con Cà Mau - Bạc Liêu. Mỗi hội, nhóm, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cho dù bộn bề lo toan với cuộc sống, chạy đua với sự cạnh tranh khốc liệt của thương trường - nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhưng tiếp nối truyền thống giàu lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam và đức tính thoáng đạt, thấm đẫm nghĩa tình của người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc, những người con Cà Mau - Bạc Liêu sống tại TP Cần Thơ luôn hướng về quê hương với tình cảm tha thiết, mặn nồng.

Bà Lâm Kim Khôi, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á Chi nhánh Cần Thơ, là một trong những mạnh thường quân luôn nhiệt tâm đóng góp kinh phí để Ban chuyển về quê hương. Trong 2 năm, bà Kim Khôi đã vận động bạn hữu và trích quỹ phúc lợi đơn vị hơn 2 tỷ 660 triệu đồng ủng hộ các hoạt động thiện nguyện của Ban. Bà Khôi bày tỏ: “Tôi chỉ muốn tri ân cội nguồn, xứ sở, mong sao quê hương nhanh chóng thay da đổi thịt”.

Ban Liên lạc Hội đồng hương trao nhu yếu phẩm cho sinh viên trong vùng dịch.

Niềm vui và lời ngỏ

Nét mới trong 2 năm qua, đồng thời sẽ là tiền đề để Ban đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tiếp sức xây dựng quê hương, đó là phát huy lợi thế phát triển công nghệ 4.0, Ban đã đẩy mạnh kết nối Facebook, Zalo tương tác hàng ngày với hơn 3.000 đồng hương. Từ đó, mọi người tham gia nhóm nhanh chóng nắm bắt thông tin, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, kịp thời giúp đỡ, gắn kết  với nhau.

33 năm ra đời, hình thành và phát triển, Ban đã quy tụ, thu hút gần 6.000 người con Cà Mau - Bạc Liêu quây quần, sinh hoạt trong mái nhà chung. Theo khảo sát của Ban, số lượng bà con, quân nhân và học sinh, sinh viên quê Cà Mau - Bạc Liêu định cư, làm việc, học tập tại TP Cần Thơ năm sau luôn tăng hơn năm trước. Trong khi đó, 2 năm 1 lần tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu mới luân phiên tổ chức gặp gỡ, họp mặt những người con xa quê. Ðiều này hạn chế mối quan hệ, tình cảm gắn bó giữa quê hương với những người xa quê. Ðồng thời, công tác nắm bắt tình hình, định hướng thông tin cũng như tạo động lực để Ban nâng cao các hoạt động sẽ không được liên tục, liền mạch. Theo ông Bùi Vũ Phương, Phó trưởng Ban, rất mong lãnh đạo 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu rút ngắn thời gian họp mặt từ 2 năm/lần xuống mỗi năm 1 lần.

Năm 2021, đất nước trải qua bao khó khăn, vất vả, song, trong nguy nan, ngặt nghèo, tình người, nghĩa đồng bào dành cho nhau thêm ấm áp, mặn nồng. Trong đó, những người con Cà  Mau - Bạc Liêu sống xa quê luôn chắt chiu vật chất, dành tình cảm thân thương, hướng về cội rễ với cả tấc lòng thành.

Ðón Xuân Nhâm Dần 2022, bà con quê hương Bạc Liêu - Cà Mau sinh sống tại Cần Thơ tiếp tục nâng cao tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau an cư lạc nghiệp. Ðồng thời, tích cực đóng góp vật chất, góp phần xây dựng quê hương Cà Mau - Bạc Liêu ngày thêm đổi mới./.

 

Hồ Trúc Ðiệp

 

Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết, xung kích tình nguyện, lao động sáng tạo

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp thanh niên đi trước, tuổi trẻ và Ðoàn bộ tỉnh Cà Mau không ngừng nỗ lực học tập và làm theo Bác, cố gắng thực hiện tốt sứ mệnh, dẫn dắt đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) đoàn kết, xung kích tình nguyện, lao động sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.

Rà soát công trình, tài sản công đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí sau sắp xếp tinh gọn bộ máy 

“Rà soát, xử lý công trình, nhà đất là tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính đảm bảo sử dụng, khai thác có hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính theo chủ trương của Bộ Chính trị để tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí”, đây là những nhiệm vụ trọng tâm Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh đề ra trong phiên họp thường kỳ quý I vào chiều 15/4/2025.

Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về đại hội đảng bộ các cấp

Ngày 14/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW (Chỉ thị số 45) của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII

Sáng 11/4, Trung ương làm việc tại hội trường. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Mong muốn đồng bào Khmer tiếp tục đoàn kết, tích cực thi đua yêu nước

Chiều 11/4, lãnh đạo tỉnh tiếp tục tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại các điểm chùa và đơn vị có viên chức, người lao động là người dân tộc Khmer đang công tác.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.

Phát huy trách nhiệm học tập suốt đời

Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, để kịp thời cập nhật và thích ứng với sự chuyển đổi nhanh của xã hội, đòi hỏi mọi cá nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng học tập nâng cao năng lực, kỹ năng, hướng đến thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình. Ðối với cán bộ, đảng viên, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, học tập suốt đời trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Từ bưng biền ra chợ

…Tình hình chiến sự khắp nơi vọng về, càng làm cho nắng tháng Tư nóng thêm. Ngày 10/3/1975, ta đánh chiếm Buôn Mê Thuột; ngày 29/3/1975, Ðà Nẵng được giải phóng; 31/3 tới Bình Ðịnh, cơ quan Dân y với mật danh là Mười Dân đang đứng chân ở Vườn Tre, cách ngã ba Cái Ðuốc - kinh Ông Ðơn không xa, ai nấy đều náo nức, cảm thấy mình ở quá xa mặt trận.