Trong tháng 6 và 7, sáng nào cũng vậy, chùa Rạch Cui, xã Khánh Bình Ðông lại văng vẳng âm thanh trong trẻo của những đứa trẻ đang đánh vần tiếng Khmer. Xen lẫn vào đó là tiếng các sư ở chùa hướng dẫn, uốn nắn cho các em cách phát âm, cách viết đúng từng nét chữ. Mọi vật dụng trong lớp học này đều mang vẻ giản đơn, cũ kỹ theo thời gian, chỉ có những con chữ trên tấm bảng đen là còn mới toanh, được viết một cách nắn nót, cẩn thận như mang nhiều tâm tư, tình cảm của thầy dành cho các em học sinh người dân tộc Khmer hay tất cả những con em trong ấp có mong muốn học tiếng Khmer trong dịp hè.
Trong tháng 6 và 7, sáng nào cũng vậy, chùa Rạch Cui, xã Khánh Bình Ðông lại văng vẳng âm thanh trong trẻo của những đứa trẻ đang đánh vần tiếng Khmer. Xen lẫn vào đó là tiếng các sư ở chùa hướng dẫn, uốn nắn cho các em cách phát âm, cách viết đúng từng nét chữ. Mọi vật dụng trong lớp học này đều mang vẻ giản đơn, cũ kỹ theo thời gian, chỉ có những con chữ trên tấm bảng đen là còn mới toanh, được viết một cách nắn nót, cẩn thận như mang nhiều tâm tư, tình cảm của thầy dành cho các em học sinh người dân tộc Khmer hay tất cả những con em trong ấp có mong muốn học tiếng Khmer trong dịp hè.
Từ ngày lớp dạy chữ Khmer mở ở chùa Rạch Cui, ngày nào cũng vậy, 2 anh em Sơn Thanh và Sơn Bích Thuỳ háo hức chờ đến giờ đi học. Ðến lớp sớm, 2 anh em tranh thủ lấy sách ra ôn bài, đọc lại những chữ thầy mới dạy hôm qua cho nhuần nhuyễn.
Lớp học tiếng Khmer hè ở chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi. |
Thanh và Thuỳ sinh ra và lớn lên tại xã Khánh Bình Ðông, cha mẹ em là người dân tộc Khmer, từ nơi khác đến đây lập nghiệp, sinh sống bằng nghề nông, quanh năm bận rộn với công việc ruộng đồng nên không có thời gian dạy chữ Khmer cho các con. Hơn nữa, thời gian 2 em tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa người Kinh, nghe và nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, rồi khi đến tuổi đi học thì học tiếng Việt nên các em không thể nói và viết được tiếng mẹ đẻ của mình.
“Con học được 4 mùa hè rồi. Khó nhất là cách viết nên ngày nào con cũng ôn lại, làm hết các bài tập sư cho về nhà. Bây giờ con có thể giao tiếp được bằng tiếng Khmer rồi”, Sơn Thanh vui mừng nói. Mỗi em một ước muốn, với Sơn Thanh, học chữ Khmer để viết được tên mình, để được đọc những cuốn sách viết bằng tiếng mẹ đẻ, qua đó tìm hiểu văn hoá, con người dân tộc mình. Học để được đi đây đi đó và chứng tỏ là dù sống ở nơi đâu thì mình vẫn không quên nguồn cội, vẫn có thể dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình để giao tiếp với người bản xứ. Không chỉ vậy, Sơn Thanh và các bạn còn được sư ở chùa dạy lời ăn tiếng nói, giáo dục nhân cách, lối sống, đạo làm con, đạo làm người… qua các bài kinh phật.
Học khác điểm trường, em Lâm Văn Gẹm, học sinh lớp 7, Trường THCS Khánh Hưng có chung niềm đam mê học tiếng Khmer như 2 anh em Sơn Thanh và Bích Thuỳ. Ðến nay, Gẹm tham gia học tiếng Khmer ở chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, đã 3 mùa hè liên tiếp. Với Gẹm, khoảng thời gian đến lớp rất vui. Bởi, không chỉ đơn thuần là học tiếng nói, chữ viết mà em còn được thầy cô dạy cho biết nguồn gốc chữ viết dân tộc mình, từ đó em càng trân trọng hơn, hứng thú hơn khi học.
“Ðược tham gia lớp học tiếng Khmer hè em rất vui vì được thầy dạy kiến thức và chữ viết. Giờ em đã giao tiếp được với bạn bè và đọc được chữ Khmer. Lúc đầu học thấy khó, khó nhất là các nguyên âm và phụ âm, rồi ghép vần. Giờ em đã hiểu nên không thấy khó nữa. Cách thầy truyền đạt kiến thức cho em rất dễ hiểu”, em Lâm Văn Gẹm cảm nhận.
Sự ham học hỏi của các em học sinh chính là động lực để các giáo viên và những người có tâm huyết với việc giữ gìn tiếng nói và chữ viết của cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống tại huyện Trần Văn Thời tiếp tục phát huy hiệu quả các lớp học hè trong những năm qua trên địa bàn huyện.
“Sư muốn cho các em người dân tộc Khmer biết tiếng mẹ đẻ. Muốn dạy các em nhân cách sống cho đứng đắn. Dạy theo chủ đề trong sách giáo khoa cũng có và dạy theo cách riêng của sư cũng có như lấy ví dụ những đồ vật xung quanh các em, giúp các em dễ hiểu, tiếp thu nhanh hơn” Sư Thạch Ðô, ở chùa Rạch Cui, dạy tiếng Khmer lớp học hè, tâm huyết.
Ông Hà Văn Muôn, Trưởng Ban Quản trị chùa Tam Hiệp, ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, mong muốn: “Theo tôi, lớp học hè tiếng Khmer nên kéo thời gian học thêm vài tháng nữa thì hay hơn. Bởi tiếng Khmer cũng khó học, chỉ học trong 2 tháng, các em mới đọc mới viết chưa được thành thạo đã nghỉ, năm sau vào học tiếp thì các em sẽ bị quên”.
Hè năm nay, huyện Trần Văn Thời mở được 19 lớp dạy chữ Khmer hè, thu hút 337 trẻ tham gia học. Với mong muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào dân tộc Khmer được tham gia học tập, ngoài việc được UBND tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho giáo viên, liên lạc với các nơi tìm điểm dạy học và trang bị các dụng cụ giảng dạy, Phòng Dân tộc huyện Trần Văn Thời phối hợp với trung tâm giáo dục cộng đồng ở các xã và các điểm chùa Khmer vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng tập, viết cho các em. Ðặc biệt, năm nay, sách giáo khoa do UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ miễn phí được cấp đến tận tay từng em, qua đó giúp các em dễ dàng theo dõi bài học và tiếp thu kiến thức theo phương pháp trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình học tập.
Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số bằng rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực. Những chính sách ấy giúp cho đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên trên tất cả các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội. Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số là minh chứng thiết thực. Việc làm này khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết, sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Những lớp học tiếng Khmer ở chùa Rạch Cui hay chùa Tam Hiệp góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói cũng như bản sắc văn hoá dân tộc của cộng đồng người dân tộc Khmer. Giúp các em học sinh Khmer nâng cao tri thức, hiểu biết, tạo ra cho học sinh vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có một kỳ nghỉ hè thật bổ ích, ý nghĩa./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh