(CMO) Đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất to lớn về tính mạng và mọi mặt đời sống của Nhân dân, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam. Toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam đang kề vai chung sức, cùng nhau vượt qua thời đoạn khó khăn này với mục tiêu tối thượng: “Sức khoẻ và tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”.
Trước thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác chỉ đạo, điều hành đất nước và phòng, chống dịch Covid-19 của Ðảng, Nhà nước ta cũng đã có những quyết sách chưa từng có tiền lệ. Ðó là các gói hỗ trợ khẩn cấp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP và hàng loạt chính sách an sinh xã hội khác cho người dân. Ðó là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xông pha trên mặt trận “ngoại giao vắc-xin”, tranh thủ mọi nguồn lực để chăm lo từng mũi tiêm vắc-xin cho Nhân dân. Là ngân sách đất nước ưu tiên cho việc phòng, chống dịch. Là tổ công tác đặc biệt và lực lượng quân đội, lực lượng y tế, tình nguyện viên... không quản ngại khó khăn, nguy hiểm từ mọi miền đất nước góp sức phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam. Là sự sẻ chia, lan toả nghĩa đồng bào của biết bao nhiêu tổ chức, cá nhân trong công tác thiện nguyện. Là lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu, hệ thống chính trị các cấp quên mình làm nhiệm vụ.
Trong cuộc chiến với đại dịch, một thông điệp đẹp đẽ, nhân văn ngời sáng: “Không một ai bị bỏ lại phía sau”. Và thành quả là tình hình dịch bệnh của các tỉnh, thành phía Nam dù vẫn hết sức phức tạp, nhưng đã lắng dịu, cho thấy những tín hiệu tích cực khi số ca nhiễm, ca bệnh chuyển nặng, ca tử vong giảm rõ rệt. Nguồn năng lượng tích cực, sức mạnh đoàn kết, công sức của muôn người đang đem đến những hy vọng tốt đẹp cho khát khao cuộc sống bình thường mới.
Thế nhưng, vẫn còn đó những vết gợn làm trăn trở lòng người. Và không ở đâu khác, môi trường mạng xã hội trở thành mảnh đất béo bở để những dư luận trái chiều, tiêu cực, thậm chí là chống đối, phản động bùng phát làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung cho công tác phòng, chống dịch của đất nước ta. Ðiều đáng buồn nhất, những người sử dụng mạng xã hội, không ít tỏ ra thiếu tỉnh táo, bị lôi kéo theo những luận điệu xuyên tạc, tiêu cực, chống phá, để hùa theo, kích động, trở thành công cụ để các thế lực đen tối lợi dụng.
Mặt trái của mạng xã hội. Tranh: MT |
Tại TP Hồ Chí Minh, tâm dịch của đợt bùng phát lần thứ 4. Khi tình hình vô cùng căng thẳng, lực lượng quân đội nhận nhiệm vụ tham gia cùng với Nhân dân chống dịch. Ngay lập tức, trên các trang mạng xã hội, những kênh thông tin phản động rêu rao luận điểm: “TP Hồ Chí Minh lập hàng rào kẽm gai, mang súng ống vào để chống dịch”. Tiếp sau đó là những vụ việc bịa đặt, vu khống về việc người dân bị lực lượng phòng, chống dịch gây phiền hà, sách nhiễu. Thậm chí, còn dựng lên cả một sự việc người dân vì cùng khổ, không nhận được sự hỗ trợ, quan tâm kịp thời của chính quyền mà tự thiêu. Thâm độc hơn, bọn phản động dựng lên các câu chuyện liên quan đến lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch để gây chia rẽ, phân biệt vùng, miền...
Nhưng điều đáng tiếc nhất là những tin tức xấu độc ấy vẫn được chia sẻ, bình luận tràn lan trên không gian mạng xã hội. Cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thì có một đại dịch khác nguy hại khôn lường, đó là đại dịch tin giả, tin xấu độc, tin thiếu kiểm chứng. Một điều chắc chắn rằng, những mầm độc kia sẽ không có cơ hội lây lan, sinh trưởng, nếu người dùng mạng xã hội thật sự tỉnh táo, bản lĩnh và trách nhiệm khi tham gia. Ðội ngũ “anh hùng bàn phím”, với thao tác thành thục là “cào bàn phím”, không chỉ góp phần để làm nhiễu loạn thông tin, dư luận, mà còn là công cụ tay sai cho những mục tiêu đen tối của các thế lực phản động. Dù là chủ ý hay vô tình, thật sự đó là nguy cơ tiềm ẩn mà hậu hoạ thật khó lường.
Trở lại với sự việc vừa gây ra “bão mạng xã hội” tại Cà Mau những ngày qua liên quan việc tiêu huỷ đàn chó, mèo của người dân về tránh dịch. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thông tin báo chí chính thống cũng đã nêu rõ những vấn đề liên quan. Thế nhưng, trên mạng xã hội, rất nhiều luồng ý kiến tiêu cực, thậm chí là cực đoan, lệch lạc vẫn lây lan với tốc độ khó kiểm soát. Chưa bàn về những vấn đề pháp lý, trách nhiệm vụ việc, chuyện đúng sai. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều vấn đề nổi cộm mà mạng xã hội với những người dùng thiếu tỉnh táo đã và đang góp phần đẩy vấn đề đi quá xa, quá phản cảm và đặc biệt là cơ hội cho những thế lực đen tối có thể lợi dụng.
Hãy xem mạng xã hội đã ứng xử thế nào với vụ việc này. Có người truy được tên tuổi, địa chỉ mạng xã hội của vị nữ bác sĩ, người được cho là ra lệnh tiêu huỷ đàn chó, mèo, để đăng tải kèm lời phỉ báng, chửi rủa và kêu gọi mọi người hùa theo với mình. Không chỉ vậy, kể cả các cấp chính quyền, cả hình ảnh của quê hương Cà Mau cũng bị vạ lây với những ý kiến xúc phạm nặng nề trên không gian mạng xã hội. Ngay cả khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc, thông tin chính thống, vẫn có ý kiến từ cư dân mạng về chuyện né tránh trách nhiệm, biện minh và bày tỏ thái độ phẫn nộ.
Từ một câu chuyện đơn lẻ, trong tình huống bất khả kháng, mạng xã hội tiếp tục đẩy lên thành những vấn đề mang tầm vĩ mô liên quan đến nhân đạo, đến bản chất xã hội... Thật khó có thể tưởng tượng được, và những “anh hùng bàn phím” chỉ hả hê khi có ai đó bị sỉ nhục, lên án, suy sụp và nhận về nhiều lượt like, share. Họ đâu biết rằng, mình chỉ là công cụ để các thành phần phản động lợi dụng, kích động những luồng dư luận xấu độc. Ðó là con đường ngắn nhất để tiếp tay cho những luận điệu xuyên tạc, chống phá Ðảng, chế độ đất nước ta và những mục tiêu thâm độc, sâu xa khác.
Mạng xã hội, xét đến cùng chỉ là công cụ, còn vấn đề cốt yếu nhất vẫn là người sử dụng. Tuy nhiên, với mức độ tác động ghê gớm của mạng xã hội, phải coi đó là con dao 2 lưỡi: Nó có thể là nơi lan toả năng lượng tích cực, cái đẹp, cái tốt đến với quảng đại quần chúng Nhân dân; nhưng đồng thời, nó cũng là nơi để những cái xấu, cái phản tiến bộ lây lan, gây nguy hại. Trong bối cảnh hiện nay, giữ thái độ tỉnh táo, thông thái và văn minh trên môi trường mạng xã hội, nhất là trước những thông tin chưa được kiểm chứng, được nhiều người quan tâm vẫn là cách tốt nhất để mỗi người tích luỹ thêm năng lượng tích cực, bình tĩnh vượt qua đại dịch. Ðó cũng là góp phần chung với toàn xã hội để đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không biến mình trở thành miếng mồi ngon để bị lôi kéo, lợi dụng./.
Phạm Quốc Rin