(CMO) Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành ngân hàng trong tỉnh luôn cố gắng đáp ứng vốn tín dụng cần thiết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhất là các DN xuất khẩu thuỷ sản. Từ đó tổng dư nợ cho vay năm 2020 ước đạt 48.451 tỷ đồng, tăng 9,7% so năm trước.
Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Cà Mau Trần Quốc Khởi cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHNN và của Chủ tịch UBND tỉnh về các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, NHNN chi nhánh tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh rà soát, thống kê và báo cáo tình hình cho vay đối với các DN xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là các ngành, lĩnh vực có thể ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu,... để có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
BIDV chi nhánh Cà Mau cam kết tạo điều kiện tối đa cho các DN vay vốn. |
Theo đó, đến nay các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hơn 2.200 khách hàng, bao gồm: khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, DN… với tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay hơn 1.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốc Agribank chi nhánh Cà Mau, cho biết: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, Agribank chi nhánh Cà Mau đã đồng hành, xem xét cơ chế lãi suất hỗ trợ đối với DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Vào những tháng cuối năm 2020, Agribank chi nhánh Cà Mau đã ký kết với 5 DN cho vay mới 190 tỷ đồng và điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng sau khi ký kết trên 508 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,99 đến 1%/năm. Thời gian tới, Agribank chi nhánh Cà Mau tiếp tục chung tay cùng DN, ngồi lại bàn bạc, tháo gỡ khó khăn, tìm ra phương án phù hợp để hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng sau đại dịch".
Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên đa phần là DN nhỏ và siêu nhỏ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Một số đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài bị tạm hoãn, làm cho DN gặp khó trong việc thu hồi vốn, tái thiết sản xuất.
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thuỷ sản AB, ông Lê Văn Nghiêm cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, thị trường xuất khẩu sang một số nước trên thế giới bị ngưng trệ dẫn đến lượng hàng hoá lưu kho nhiều. Vì vậy, đề xuất các ngân hàng nghiên cứu thiết kế lại các gói vay thế chấp hàng hoá. Theo đó, ngân hàng có thể xem xét dựa vào tổng giá trị hàng hoá của DN lưu kho để giải ngân vốn, tạo nguồn vốn lưu động để DN tái đầu tư sản xuất, kinh doanh".
Ông Lê Huỳnh, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Cà Mau, cho biết: Thời gian qua, ngân hàng hạn chế cho vay theo kiểu hàng hoá thế chấp vì hàng hoá của DN đa phần phải xuất nhập kho, luân chuyển liên tục nên tiềm ẩn nhiều rủi ro do phía ngân hàng khó kiểm soát được nguồn hàng này. Vì vậy, nếu các DN, HTX có nhu cầu về vốn vay nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng. Ngân hàng sẽ cho nhân viên đến tận nơi thẩm định, bàn bạc, trao đổi với DN các phương án về hạn mức tín dụng, lãi suất… và giải ngân vốn khi đáp ứng các điều kiện cần thiết sao cho đảm bảo lợi ích hài hoà giữa ngân hàng và DN".
Hiện nay, nguồn vốn huy động tại chỗ các chi nhánh ngân hàng - tổ chức tín dụng chỉ đáp ứng 67,15% so với tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, phần còn lại các chi nhánh ngân hàng - tổ chức tín dụng tranh thủ nhận vốn điều hoà trong từng hệ thống đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn để phục vụ chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các ngân hàng cam kết tạo điều kiện tối đa cho các DN vay vốn, tuy nhiên DN phải đảm bảo phương án kinh doanh cụ thể đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để giải ngân nguồn vốn.
Ông Trần Quốc Khởi chia sẻ: "Thời gian tới, ngành ngân hàng tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục chăm lo tốt nguồn vốn trên cơ sở giữ vững nguồn vốn năm 2020 và từng bước tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng cao nhất nhu cầu vốn cho đầu tư tín dụng, phục vụ tốt việc phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, tăng cường mở rộng quy mô hoạt động tín dụng đến mọi thành phần kinh tế, thực thi đa dạng hoá các loại hình tín dụng trên cơ sở chất lượng, hiệu quả, an toàn, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn. Song song đó, sẽ tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về đề ra các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau"./.
Phúc Duy