(CMO) Trải qua 17 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau (xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau) đã tiếp nhận, hỗ trợ, giúp trẻ khuyết tật trong học tập, rèn luyện cho các em kỹ năng để hoà nhập cộng đồng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Hiện trung tâm đang nuôi dạy 80 trẻ tự kỷ, 8 em khiếm thị, 122 em khiếm thính. Mỗi em có hoàn cảnh, cá tính, sở thích khác nhau nên việc dạy dỗ, chăm sóc không hề đơn giản.
Trách nhiệm trung tâm đặt ra là chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật theo mô hình hoà nhập và hội nhập. Dạy học sinh khuyết tật, học sinh thiểu năng trí tuệ mà chỉ có cái tâm là không đủ. Ðòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết ở việc điều chỉnh chương trình cùng đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, kỹ năng giảng dạy đặc thù, phù hợp với từng sở thích, hoàn cảnh để giúp học sinh phát triển hết khả năng của mình.
Bắt đầu từ năm học 2014, trường có học sinh ra trường theo đúng nghĩa. Những em đã theo học từ 6 năm trở lên, đạt trình độ nhất định, biết đọc, biết viết, biết tính toán, có thể học tiếp ở các trường bổ túc văn hoá hay lao động tại gia đình. Có thể giúp các em nhận biết được giá trị cuộc sống, biết ứng xử với những sự việc xung quanh ở mức độ trung bình là thành công và niềm hạnh phúc lớn lao của thầy, trò trung tâm.
Chúng ta hãy trải nghiệm một ngày cùng trẻ khuyết tật để cảm nhận được không khí học tập chuyên biệt cũng như sự nhiệt tình, giàu kinh nghiệm của đội ngũ thầy cô nơi đây”./.
Các cô chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ tự kỷ. |
Trung tâm tạo điều kiện cho các em được học vẽ để phát huy năng khiếu của bản thân. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Sau những giờ học trên lớp, các em trở về phòng ngủ sinh hoạt, vui chơi rất thân thiết, hoà đồng. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Tiết học văn hoá của các em khiếm thính. |
Trung tâm còn dạy nghề cho các em làm tinh dầu từ lá cây tràm, lá cây sả để sau này có thể nuôi sống bản thân. |
Phút thư giãn của các em. |
Ngoài học văn hoá, kỹ năng để hoà nhập, các em khiếm thính còn được học vi tính. |
Quỳnh Anh