(CMO) 46 năm sau ngày đất nước thống nhất, huyện Năm Căn khoác lên mình diện mạo mới. Bên cạnh những chính sách phát triển của Ðảng và Nhà nước, toàn thể Nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất có bề dày lịch sử, quyết tâm xây dựng quê hương Năm Căn ngày càng giàu đẹp.
Thực hiện Nghị định số 138/2003, huyện Năm Căn được tái lập và đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2004 cho đến nay, với 7 xã và 1 thị trấn.
Nơi ngã ba sông Hàng Vịnh - Hiệp Tùng - Tam Giang, nhiều công trình mới đang mọc lên. |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây địch thử nghiệm các kiểu chiến tranh hung bạo nhất, nhưng cán bộ cách mạng vẫn liên tục bám đất, bám dân. Giai đoạn từ năm 1959-1975, tại địa bàn huyện diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, là một trong những địa phương chịu nhiều đau thương của bom đạn chiến tranh.
Ðể làm nên những chiến công oanh liệt, nhiều thế hệ đồng bào huyện Năm Căn đã ngã xuống, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân du kích… đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Với những đóng góp to lớn đó, huyện Năm Căn có 2 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Năm Căn là nơi an nghỉ đời đời của 671 liệt sĩ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hiện còn 489 thương binh và gia đình có công với cách mạng được nhận trợ cấp hàng tháng, 51 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện 1 mẹ còn sống...
Thời kỳ đầu chia tách huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 13%, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,18%, có 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Nếu như sau giải phóng, tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố chỉ trên đầu ngón tay, thì nay tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố chiếm 83,1%. Hầu hết các hộ gia đình đều có phương tiện nghe, nhìn, có 3/7 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Giáo dục và y tế so với những nơi khác không còn là khoảng cách, có lĩnh vực còn vượt trội hơn: trường đạt chuẩn quốc gia 25/31 trường, đạt 80,65%, đứng đầu tỉnh Cà Mau.
Ðể có được cuộc sống hôm nay, Ðảng bộ và Nhân dân huyện Năm Căn đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Hiện nay, Năm Căn đã hình thành một số mặt hàng chủ lực, đặc thù của huyện với thị trường tiêu thụ ổn định, như cua Năm Căn, sò huyết, bánh phồng tôm, tôm giống và cua giống…, đặc biệt là mặt hàng tôm với tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2015-2020) ước đạt 200 triệu USD. Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng, tăng gần 7 lần khi mới chia tách huyện.
Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Lê Văn Ngời cho biết: “Mục tiêu đến năm 2025, để Năm Căn phát triển nhanh và bền vững, công việc quan tâm hàng đầu của huyện là tăng cường công tác xây dựng Ðảng; đảm bảo quốc phòng - an ninh và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đặc biệt ưu tiên các dự án trọng điểm có sức ảnh hưởng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho Nhân dân…”.
Ðã 46 mùa xuân trôi qua, nhiều dấu ấn thành tựu đáng ghi nhận cho thấy quê hương Năm Căn giờ đã thay da đổi thịt. Kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, công tác quốc phòng - an ninh luôn giữ vững. Cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, Ðảng bộ và Nhân dân Năm Căn đang tiếp tục nỗ lực về mọi mặt, quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là 1 trong 3 khu kinh tế động lực của tỉnh Cà Mau./.
Văn Ðức