Năm học 2016-2017 chính thức bắt đầu, ngành giáo dục Cà Mau đang chung sức phấn đấu với tinh thần hăng say, trách nhiệm, nhiệt huyết. Theo đó là rất nhiều tâm tư, ý kiến gửi gắm với mong muốn năm học mới sẽ có những bước tiến mới để ngành giáo dục tạo sự chuyển mình, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.
Năm học 2016-2017 chính thức bắt đầu, ngành giáo dục Cà Mau đang chung sức phấn đấu với tinh thần hăng say, trách nhiệm, nhiệt huyết. Theo đó là rất nhiều tâm tư, ý kiến gửi gắm với mong muốn năm học mới sẽ có những bước tiến mới để ngành giáo dục tạo sự chuyển mình, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.
Cô Trần Thị Quế Trân, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau) cho rằng, qua 2 năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ÐT về đánh giá học sinh tiểu học, thay việc đánh giá bằng điểm số hằng ngày trên lớp bằng những lời nhận xét, chưa thực sự phù hợp. Bởi, việc đổi mới cách đánh giá đã gây áp lực với không ít thầy cô giáo, phụ huynh càng khó nắm bắt sức học của con em.
Cần sự đổi mới phù hợp
Về phía học sinh tiểu học, các em không thể hiểu hết lời nhận xét, không biết sức học mình mức nào để phấn đấu. Có thể thấy, cách chấm điểm trước đây, khuyến khích học sinh học tập nhiều hơn, phụ huynh biết được lực học của con qua điểm số để có hướng điều chỉnh kịp thời giúp con học hành tiến bộ.
Những ngày đầu năm học mới đầy phấn khởi của cô, trò Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, TP Cà Mau. |
“Thông tư 30 không có kiểm tra hằng tháng mà chỉ lấy điểm học sinh cuối kỳ, cuối năm học, đánh giá lực học sẽ không chính xác. Còn trong quá trình học, giáo viên chỉ nhận xét chung chung, lời nhận xét phải nhẹ nhàng nhất, thì làm sao cha mẹ biết con sai gì, cần khắc phục gì, phát huy điểm nào. Với các em, nếu có điểm cụ thể, như: tôi 8 điểm, bạn 9, thì ngày mai tôi phải học như bạn hoặc hơn bạn”, cô Quế Trân nhìn nhận.
Cùng quan điểm, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ðầm Dơi Trần Thanh Văn nhận định, thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có thời gian lật xem hết những lời nhận xét của thầy, cô giáo trong vở học của con hằng ngày. Thiết nghĩ, Bộ GD&ÐT cần có sửa đổi cách đánh giá cụ thể hơn để kích thích tinh thần học tập của học sinh; cần tiết giảm hồ sơ, sổ sách, ghi chép để trên lớp giáo viên có nhiều thời gian dạy dỗ học sinh, nắm bắt tốt lực học của từng em để có những giải pháp kịp thời củng cố nền tảng kiến thức, học tốt hơn.
Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT đã khẳng định yêu cầu phải phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ÐT. Ðồng thời có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng. Song, thực tế, những người gắn bó với nghề giáo hiện nay, đồng lương không đủ sống.
Cô Quế Trân bày tỏ, 15 năm gắn bó với nghề, nhưng so với mức sống bình thường trong xã hội, lương của vợ chồng cô cộng lại chỉ đủ chi phí trang trải gia đình và nuôi con đi học. Theo cô, chỉ khi đời sống được bảo đảm thì người giáo viên mới yên tâm gắn bó với nghề. Cần một chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là điều không chỉ riêng cô, mà rất nhiều đồng nghiệp mong đợi trong năm học mới. Tất thảy chờ đợi sự đổi mới về tư duy quản lý, chính sách cho giáo dục phù hợp với thực tế đời sống hiện nay.
Nâng chất mọi mặt
Phấn khởi trước thềm năm học mới 2016-2017, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước được nhà hảo tâm chung tay tiếp sức học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến trường, như tặng tập, sách giáo khoa, dụng cụ, học bổng… Ðây là động lực rất lớn thực hiện huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao nhất, với quyết tâm tạo mọi điều kiện để các em đến trường 100%.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Ngô Tấn Cuộc cho biết, trên địa bàn xã có 17 điểm trường với 97 phòng học (59 phòng cơ bản, 38 bán cơ bản), trong đó, có 8 điểm chính: 2 THCS, 5 tiểu học và 1 mẫu giáo. 3/8 trường chính đã đạt chuẩn quốc gia, năm học mới sẽ phấn đấu nâng mức độ 2. Tuy nhiên, việc nâng chuẩn cũng như xây dựng trường đạt chuẩn ở các điểm còn lại là thách thức lớn đối với địa phương. Bởi, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, thực trạng về cơ sở vật chất chỉ ở mức tạm ổn, các trường cần thêm một số phòng chức năng để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo ông Trần Thanh Văn, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017, ngành giáo dục huyện Ðầm Dơi cần được đầu tư kinh phí thay thế bàn ghế học sinh, trang bị thiết bị dạy học xuống cấp không còn khả năng sử dụng được; đầu tư trang bị các phòng thực hành, phòng tin học, thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường còn thiếu; giao chỉ tiêu biên chế cho sự nghiệp giáo dục theo định biên được quy định tại Thông tư liên tịch số 35 và Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ÐT.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tạo Lê Thị Lệ Thu kỳ vọng được các cấp lãnh đạo dành nhiều sự quan tâm cho nhà trường được xây dựng hoàn chỉnh hơn trong năm học tới, để học sinh được học bán trú. Vì đây là nhu cầu thiết thực của rất nhiều phụ huynh phải đi làm việc cả ngày, họ cần một nơi uy tín, tin cậy để gửi con. Xa hơn là trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, xứng đáng với sự kỳ vọng của ngành giáo dục, là đơn vị dẫn đầu tỉnh về chất lượng, đồng thời cũng là điều kiện để nhà trường phát huy nội lực đạt được những thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới./.
Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân kêu gọi sự đoàn kết, tập trung trí tuệ và tình cảm của các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục tỉnh vì một nền giáo dục phát triển. “Chúng ta tin tưởng đội ngũ thầy, cô giáo đầy tâm huyết, giàu tri thức và khát khao sáng tạo sẽ làm chuyển mình sự nghiệp giáo dục Cà Mau. Tôi đề nghị cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành giáo dục, coi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, cùng ngành giáo dục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và sự kỳ vọng của Ðảng, Nhà nước”. |
Bài và ảnh: Băng Thanh