Những năm qua, phong trào thể dục thể thao tỉnh Cà Mau có bước phát triển đáng kể, với nhiều bộ môn đem về thành tích cho tỉnh. Những môn thế mạnh vẫn duy trì được thành tích và cung cấp nhiều nhân tố mới cho thể thao của đất nước. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất như hiện tại, thể thao thành tích cao của tỉnh đã và đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều bộ môn chật vật duy trì để trở lại đường đua cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực, cũng như toàn quốc.
- Lan toả phong trào thể dục thể thao quần chúng
- Giải pháp công nghệ trong thể thao
- Đoàn viên, viên chức rèn luyện thể thao
- Tập trung nâng chất và phát huy công năng trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng xã
Trung tâm Huấn luyện đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh hiện chỉ duy trì đào tạo các bộ môn có phong trào phát triển mạnh như: võ thuật, vật, điền kinh, đua thuyền. Tuy nhiên, vận động viên (VÐV) các môn này không được đào tạo tại chỗ, mà phải gửi đi các trung tâm huấn luyện khác trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là do cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu thiết yếu tập luyện.
Nhà thi đấu đa năng của Trung tâm Huấn luyện đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Cà Mau qua hơn 25 năm sử dụng, chủ yếu là sân chơi phong trào của bộ môn cầu lông và võ thuật.
Ông Dương Hữu Cường, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, chia sẻ: “Hiện Trung tâm chỉ chú trọng đào tạo các môn thế mạnh như: Teakwondo, vật, bơi thuyền, điền kinh. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức sát hạch, tuyển chọn để gởi đi đào tạo tại các trung tâm khác ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Mặc dù tại Trung tâm có đường chạy nhưng đã xuống cấp, thế nên, chúng tôi cũng chỉ tuyển chọn VÐV điền kinh ở giải trẻ trong tỉnh, rồi gởi đi đào tạo tại các trung tâm khác, chứ không đào tạo tại đây được”.
Bên cạnh đó, các môn trước đây đã khẳng định được thế mạnh và tạo thương hiệu cho thể thao Cà Mau như: bóng đá, bóng chuyền, quần vợt thì chỉ đang duy trì tập luyện ở mức phong trào, không nằm trong kế hoạch đào tạo hằng năm.
Một góc nhà Trung tâm của Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Cà Mau nơi vừa là trụ sở làm việc của viên chức, người lao động, huấn luyện viên, vừa là nơi ở, tập luyện của vận động viên.
"Bóng đá, môn thể thao "vua" được kỳ vọng và mong đợi nhiều tại tỉnh, tuy nhiên, cũng đã vắng bóng 6, 7 năm nay, do không đủ kinh phí để duy trì từ cấp độ trẻ cho đến chuyên nghiệp. Ðây cũng là thực tế đáng buồn cho thể thao tỉnh", ông Cường chia sẻ thêm.
Thực tế cho thấy, tiềm năng thể thao Cà Mau rất dồi dào, thế nhưng thiếu nguồn lực đầu tư. Ðây cũng chính là rào cản làm chậm bước thể thao Cà Mau so với các tỉnh trong khu vực. Nhiều lớp cầu thủ, VÐV năng khiếu có nhu cầu phát triển bản thân phải tự tìm đến các địa phương có tiềm lực để khẳng định khả năng, nhưng vẫn luôn đau đáu mong muốn một ngày không xa trở về phục vụ cho tỉnh khi có điều kiện.
Sân vận động của Trung tâm huấn luyện và thi thể thao tỉnh Cà Mau cũng đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, hiện tại chỉ phục vụ các giải thể thao phong trào trên địa bàn thành phố.
Việc đào tạo từ sớm, từ xa khá xa vời với Cà Mau, khi mà cơ sở vật chất, nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao, nhất là đối với thể thao thành tích cao đang là bài toán thực sự nan giải./.
Lê Chí