Tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng đang khiến tình trạng sạt lở đất ven sông, cửa biển nghiêm trọng hơn. Bình quân mỗi năm bờ sông, kinh rạch trên địa bàn tỉnh xói lở khoảng 0,5 m. Ðặc biệt có một số tuyến sông, kinh xáng lở mất 1-2 m như sông Cửa Lớn, Cái Ðôi Vàm, kinh xáng Ðội Cường, kinh xáng Thị Kẹo.
Tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng đang khiến tình trạng sạt lở đất ven sông, cửa biển nghiêm trọng hơn. Bình quân mỗi năm bờ sông, kinh rạch trên địa bàn tỉnh xói lở khoảng 0,5 m. Ðặc biệt có một số tuyến sông, kinh xáng lở mất 1-2 m như sông Cửa Lớn, Cái Ðôi Vàm, kinh xáng Ðội Cường, kinh xáng Thị Kẹo.
Theo khảo sát gần đây, toàn tỉnh có 54 điểm có nguy cơ sạt lở đất, với chiều dài 88.333 m. Trong đó, có 14 điểm sạt lở nguy hiểm ở cửa sông, ven biển, khu vực chợ chiều dài 24.940 m với 884 hộ bị ảnh hưởng.
Những ngôi nhà bị sạt lở tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. |
Anh Ngô Minh Triết, hộ mua bán nhỏ ở ven sông thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, cho biết: Vào mùa mưa, ở đây thường xảy ra sụp lở đất vì thuỷ triều xuống thấp nhất kết hợp với mưa dội xuống.
Ông Nguyên Văn Vinh, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, cho biết, ngôi nhà gia đình ông đang ở trước đây cách mé sông hơn 20 m, nhưng mới 2 năm, do sạt lở nhiều nên giờ sát mé sông và có thể đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão đến. Ông đang có kế hoạch di dời sâu vào đất liền nhưng không có tiền.
Nhiều người dân sống ven sông cho biết, thường ở các cửa sông khi thuỷ triều lên xuống, 2 dòng nước gặp nhau tạo thành vòng xoáy, nước cuốn sâu vào đất liền tạo thành hàm ếch. Khi nắng hạn lâu ngày, mưa xuống đất thấm mềm gây ra sạt lở.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết: “Vùng đất Cà Mau có kết cấu địa chất yếu, độ kết dính thấp, dễ bị xâm thực. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất thực hiện nhiều dự án công trình thuỷ lợi làm tăng thêm lưu lượng nước trên sông, rạch và thuỷ triều lên xuống chênh lệch khá cao. Ðây là nguyên nhân gây sạt lở đất. Bên cạnh đó, tập quán lâu đời của cư dân vùng sông nước là sinh sống dọc bờ sông, xây dựng nhiều công trình dân dụng, kiến trúc, kết cấu hạ tầng làm gia tăng tải trọng của tầng đất mặt ven sông dẫn đến sạt lở, nhất là những khu vực tập trung đông dân cư, khu vực chợ”.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở thì đã rõ, nhưng để tìm giải pháp khắc phục đang là vấn đề khó. Ông Nguyễn Long Hoai cho biết thêm: “Ða phần những hộ dân trong vùng sạt lở chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ ven sông, nếu di dời vào bờ thì việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Ðây đang là bài toán khó của các địa phương trong việc di dời dân sống ven biển vào nơi ở ổn định”.
Tỉnh đang triển khai nhiều dự án chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), chợ Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi), dự án xây dựng bờ kè cấp bách xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi). Ðồng thời, đang cho chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng các khu vực sạt lở xung yếu khác, giảm thiểu tình trạng sạt lở ven sông, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, việc đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông nhiều năm qua vượt ngoài khả năng của tỉnh do thiếu nguồn vốn đầu tư. Trước mắt, các địa phương vận động Nhân dân trồng cây mắm ven sông để ngăn sạt lở đất trước khi có những giải pháp mang tính chiến lược, bền vững./.
Bài và ảnh: Trúc Ly