Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Cà Mau về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Ngọc Hiển đã có bước phát triển đáng kể về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nhiệm vụ được Đảng bộ huyện Ngọc Hiển xác định hàng đầu để góp phần cho sự phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Cà Mau về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Ngọc Hiển đã có bước phát triển đáng kể về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nhiệm vụ được Đảng bộ huyện Ngọc Hiển xác định hàng đầu để góp phần cho sự phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Địa bàn huyện Ngọc Hiển cách xa trung tâm tỉnh, kết cấu hạ tầng yếu kém; đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, chức danh theo quy định; hệ thống trường, lớp, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác đào tạo tại huyện, nhất là công tác đào tạo nghề; trình độ dân trí và tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo nghề vẫn còn thấp so với nhiều nơi trong tỉnh. Ðây là thách thức về thực trạng nguồn nhân lực của địa phương, đòi hỏi các cấp uỷ Ðảng phải có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và lộ trình thực hiện đồng bộ.
Nâng chất nguồn nhân lực
Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện Ngọc Hiển kịp thời cụ thể hoá Chỉ thị số 03 của Tỉnh uỷ bằng việc xây dựng Ðề án Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Ðối với cấp uỷ, chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch, quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dự nguồn, hằng năm rà soát quy hoạch bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Cán bộ lãnh đạo huyện Ngọc Hiển tham quan mô hình sản xuất tôm khô chất lượng cao tại thị trấn Rạch Gốc. |
Dân số trong độ tuổi lao động của huyện đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và lao động tự do là 57.136 người, chiếm 72,10% tổng dân số của huyện. Trung bình, mỗi năm lực lượng lao động tăng thêm từ 250 đến 300 người, trong đó có khoảng 30-40% số người tham gia hoạt động kinh tế.
Chất lượng nguồn nhân lực của huyện đã có nhiều thay đổi đáng kể, tổng số lao động đã qua đào tạo tăng từ 14.347 người năm 2010 lên 20.394 người năm 2013 (tăng 142.15%). Lực lượng lao động ở nhóm tuổi từ 15 đến 29 có xu hướng tăng, cho thấy nguồn lao động của huyện trẻ, tiềm lực lao động khá dồi dào. Ðây cũng chính là lực lượng chủ yếu làm ra của cải vật chất cho xã hội, nếu duy trì được các chỉ số dân số, lao động cơ bản như trong khoảng thời gian qua thì ước tính cơ cấu dân số vàng của huyện còn kéo dài thêm 15-20 năm. Vì vậy, xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện được xem là việc làm cấp thiết để đáp ứng nền kinh tế tri thức.
Ngọc Hiển có 2 cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng ngoài hệ thống giáo dục phổ thông là Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị và Trung tâm Dạy nghề. Trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Hằng năm, Ngọc Hiển xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo lộ trình cụ thể: dài hạn, ngắn hạn và hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt, đáp ứng yêu cầu từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2011-2014 đưa đi đào tạo chuyên sâu là 149 người, trong đó: bậc đại học 127 người, trên đại học 5 người, bác sĩ chuyên khoa I 17 người. Ðội ngũ giáo viên ngành GD&ÐT của huyện hiện có 642 người. Trong đó, đại học có 305 người, cao đẳng 131, trung cấp 204 người, sơ cấp 2 người. Tỷ lệ giáo viên đạt và vượt chuẩn về trình độ chuyên môn tăng lên theo hằng năm ở tất cả các bậc học.
Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Từ khi Nghị quyết số 03 của Tỉnh uỷ ra đời đến nay đã có 1.198 lượt cán bộ được đưa đi đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng thực hành, trong đó đại học và trên đại học là 132, trung cấp và cao cấp chính trị là 275, tin học 278, ngoại ngữ 139, bồi dưỡng kỹ năng quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên trở lên 234, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh 140 người.
Quan tâm đưa đi đào tạo và bồi dưỡng 3.889 lượt cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ trong giai đoạn hiện nay. Sau khi được đào tạo bồi dưỡng, cán bộ đều được bố trí, phân công nhiệm vụ đúng với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từ đó công việc được giải quyết đạt hiệu quả cao hơn, khoa học hơn, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những kinh nghiệm thực tiễn
Những kết quả đạt được về công tác phát triển nguồn nhân lực của Ngọc Hiển đáng trân trọng. Ðây là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức của huyện đều có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, cùng với sự quan tâm thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương. Hệ thống đào tạo đa dạng, từ các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đến các lớp đào tạo dài hạn phù hợp với điều kiện của từng đối tượng học.
Song, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, Ngọc Hiển vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức. Ðó là cơ sở vật chất của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Trung tâm Dạy nghề của huyện chưa đảm bảo để liên kết với các trường ngoài tỉnh đào tạo nâng cao. Việc đào tạo chưa gắn với sử dụng và nhu cầu thực tế của địa phương, chưa phù hợp với vị trí việc làm. Lực lượng công nhân kỹ thuật được đào tạo trình độ trung cấp còn rất hạn chế dẫn đến tình trạng thừa, thiếu nguồn nhân lực còn phổ biến. Số lao động có trình độ cao, tay nghề giỏi chưa được thu hút về huyện công tác, nhất là ở lĩnh vực giáo dục và y tế chưa nhiều.
Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới, huyện Ngọc Hiển cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kiện toàn nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách và đầu tư cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường mở rộng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực. Ðồng thời, huy động tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và ngân sách địa phương để phục vụ công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.
Bài và ảnh: Lê Chí Hưởng