Thầy Nguyễn Văn Hành, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Cái Nước, chia sẻ: Trong quá trình lên lớp, giáo viên không chạy theo việc dạy hết nội dung trong bài học, mà cần đảm bảo để mọi học viên đều đạt được kiến thức cơ bản, trọng tâm tối thiểu của bài học. Để làm được điều đó, giáo viên phải tổ chức và quản lý tốt kết quả học tập của học viên trên lớp và chất lượng thực hiện những dự tính dạy học trong thiết kế bài học. Nếu đa số học viên chưa đạt được yêu cầu tối thiểu của chuẩn kiến thức thì giáo viên cần điều chỉnh ngay phương pháp dạy học.
Thầy Nguyễn Văn Hành, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Cái Nước, chia sẻ: Trong quá trình lên lớp, giáo viên không chạy theo việc dạy hết nội dung trong bài học, mà cần đảm bảo để mọi học viên đều đạt được kiến thức cơ bản, trọng tâm tối thiểu của bài học. Để làm được điều đó, giáo viên phải tổ chức và quản lý tốt kết quả học tập của học viên trên lớp và chất lượng thực hiện những dự tính dạy học trong thiết kế bài học. Nếu đa số học viên chưa đạt được yêu cầu tối thiểu của chuẩn kiến thức thì giáo viên cần điều chỉnh ngay phương pháp dạy học.
Trước hết, để cho học viên nắm được nội dung bài học thì hướng dẫn học viên đọc sách giáo khoa (SGK) là điều quan trọng. Để làm việc với SGK có hiệu quả, học viên cần có kỹ năng định hướng thu nhận thông tin thật cụ thể, chính xác. Vì vậy, giáo viên cần giúp học viên nắm vững mục tiêu học tập, từ đó, học viên mới định hướng tìm kiếm thông tin khi làm việc với SGK: đọc chương, mục nào, cái gì để nhanh chóng giải quyết được mục tiêu học tập.
Bên cạnh việc hướng dẫn học viên cách học, tự học, giáo viên cần phải phân loại câu hỏi, bài tập giao cho học viên thực hiện ở nhà, bao gồm loại câu hỏi và bài tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng giao cho đối tượng học viên trung bình và yếu; loại câu hỏi và bài tập nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức cho đối tượng học viên khá, giỏi.
Như vậy, ngay từ khâu chuẩn bị, giáo viên cần hướng dẫn học viên xác định được mục tiêu chung của bài và gợi ý để học viên tiếp tục xác định các mục tiêu cụ thể; đồng thời hướng dẫn học viên kỹ năng chọn lọc từ SGK những nội dung bản chất nhằm giải quyết mục tiêu học tập, kỹ năng ghi chép thông tin.
Bên cạnh việc tự học của học viên, giáo viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp nhằm kích thích các hoạt động học tập của học viên trong giờ học. Có nghĩa là phải làm cho tất cả học viên đều phải thực hiện các nhiệm vụ học tập bằng nhiều hình thức: nghĩ, nói, viết… dưới sự điều khiển của người thầy; từ đó mà giáo viên kiểm soát được mức độ và chất lượng làm việc của học viên.
Ngoài ra, giáo viên cần am hiểu tâm lý học viên, xây dựng giờ học thân thiện nhằm động viên tinh thần, cổ vũ, lôi cuốn người học tham gia vào giờ học trong bầu không khí sư phạm dân chủ, cởi mở.
Do đặc điểm nhận thức của học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế và rất khác nhau, do đó, khi lên lớp, giáo viên tích cực sử dụng các thiết bị dạy học phù hợp với đặc thù bộ môn. Hướng dẫn cho học viên cách học là dạy cho họ biết cần phải làm những công việc gì, bao gồm các công việc các em phải làm lúc ở nhà và ở trường.
Đồng thời, dạy cho học viên cách học, trước hết là dạy cho họ dành hết tâm trí vào việc học, giáo viên phải giúp học viên biết được trách nhiệm học tập, thông qua các hoạt động cần có các biện pháp nhẹ nhàng, uyển chuyển, phù hợp với đối tượng.
Như vậy, trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu giáo viên thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ góp phần cải thiện và nâng dần chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động dạy - học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp nói riêng và chất lượng dạy học trên địa bàn tỉnh nói chung./.
Thang Hoàng Nên