Ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, trong tổng số 6.676 thí sinh của Cà Mau đăng ký dự thi môn Toán thì có đến 4.663 thí sinh có điểm dưới 5, trong đó, có 703 bài thi đạt điểm dưới 1 là điểm liệt. Ðây là con số không hề nhỏ và đáng suy ngẫm về chất lượng dạy và học ở trường phổ thông hiện nay.
Ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, trong tổng số 6.676 thí sinh của Cà Mau đăng ký dự thi môn Toán thì có đến 4.663 thí sinh có điểm dưới 5, trong đó, có 703 bài thi đạt điểm dưới 1 là điểm liệt. Ðây là con số không hề nhỏ và đáng suy ngẫm về chất lượng dạy và học ở trường phổ thông hiện nay.
Thạc sĩ Ðặng Văn Nghiệp, giáo viên bộ môn Toán, Trường THPT Thới Bình, chia sẻ: “Ðề thi THPT quốc gia năm 2015 có những câu rất dễ, được ra nhằm tạo điều kiện cho những học sinh yếu “chống liệt”. Thế nhưng, con số 703 thí sinh “liệt” môn Toán quả là đáng lo ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi tốt nghiệp THPT”. Cũng theo thầy Nghiệp, hầu hết những em bị điểm “liệt” này có thể là do các em mất kiến thức cơ bản; thiếu ý thức học tập, rèn luyện kỹ năng… Do đó, việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn Toán cho học sinh là hết sức quan trọng.
Tại hội thảo sinh hoạt chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học được Sở GD&ÐT Cà Mau tổ chức ở Trường THPT Ðầm Dơi vừa qua, hầu hết các giáo viên giảng dạy môn Toán ở các trường THPT đều tập trung thảo luận, đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy, học môn Toán và chống “liệt” cho học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia.
Thầy Trần Ngọc Thắng, giáo viên Trường THPT Ðầm Dơi, chia sẻ: Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần dạy kỹ, dạy sâu phần kiến thức cơ bản, đồng thời đưa ra phương pháp giải cụ thể các dạng toán, cơ bản cho học sinh. Mỗi dạng toán, giáo viên thường xuyên cho bài tập tự rèn luyện, yêu cầu bắt buộc học sinh giải và nộp lại. Giáo viên kiểm tra, chỉnh sửa và trả bài cho học sinh rút kinh nghiệm. Ngoài ra, giáo viên có thể giao mỗi em 1 bài chấm các lỗi sai, từ đó có thể hạn chế các lỗi sai của mình trong quá trình làm bài.
“Chúng ta cố gắng tập cho các em cách tự trình bày những chính kiến của bản thân về cách hiểu 1 nội dung toán học, về 1 bài giải hoặc cao hơn là so sánh được nhiều cách giải của 1 bài toán để tự rút ra được những chỗ hay, những chỗ còn hạn chế, nhằm tránh gặp phải những sai sót tương tự ở những bài toán sau. Bên cạnh đó, việc tập cho các em kỹ năng trình bày bài tự luận sao cho gọn gàng và hiệu quả cần được chú trọng trong từng tiết dạy”, thầy Thắng lý giải thêm.
Ðối với những học sinh yếu, kém, việc giúp các em củng cố lại kiến thức cơ bản là vô cùng quan trọng, đòi hỏi người giáo viên sự tận tâm, lòng nhiệt huyết cùng phương pháp giảng dạy phù hợp. Trao đổi về vấn đề này, thầy Dương Văn Trạng, giáo viên Trường THPT Khánh Lâm, trần tình: "Trong giờ học, chú ý nhiều hơn những đối tượng học sinh yếu, kém, thường xuyên gọi các em này lên bảng giải bài tập, để rèn luyện kỹ năng, đồng thời nắm được sự tiến bộ của học sinh, đã làm và chưa làm được dạng bài tập nào để có hướng giúp đỡ kịp thời".
Theo thầy Ðặng Văn Nghiệp, đối với những đối tượng học sinh có nguy cơ bị điểm liệt môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia, cần tập trung rèn luyện cho các em vài dạng toán cơ bản, dễ làm như: khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị của hàm số, số phức… Ðồng thời, hướng dẫn học sinh tự đặt các câu hỏi và tự trả lời các câu hỏi khi đứng trước 1 bài toán như: Ðây là dạng toán nào? Phương pháp giải như thế nào? Giả thiết đã cho biết những dữ kiện nào? Ta cần tìm thêm những dữ kiện nào? Mối liên hệ giữa các dữ kiện đã biết và các dữ kiện cần tìm là gì?... Những câu hỏi ấy, rèn luyện cho các em cách tự suy nghĩ, tự vận động trong việc tìm hướng đi đúng đắn khi giải những bài toán đơn giản, thường gặp. Khi các em đó đã có chiều hướng chuyển biến tích cực thì giáo viên phải dành ngay những lời khen ngợi nhằm khích lệ các em trước tập thể lớp, với những hành động này sẽ đem lại hiệu quả tốt trong việc học tập của các em.
“Học nhóm cũng là phương pháp học tập rất phù hợp trong môi trường giáo dục hiện nay, đặc biệt đối với những học sinh nhận thức còn chậm. Việc học nhóm còn giúp các em học sinh hạn chế tâm lý e ngại khi có thể trao đổi với bạn bè các vấn đề chưa hiểu rõ thay vì phải hỏi các giáo viên, sợ bị nhiều người nghe và chê cười”, thầy Nghiệp cho biết thêm./.
Mạnh Thắng