TP Cà Mau hiện đang là đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục mầm non trong toàn tỉnh. Toàn thành phố có 13 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, dự kiến trong năm 2016 sẽ tiếp tục xét duyệt thêm hai trường, nâng tổng số 15/22 trường mẫu giáo công lập đạt chuẩn. Năm 2016, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; khuyến khích phát triển giáo dục mầm non theo hướng xã hội hoá, đáp ứng nhu cầu xã hội.
TP Cà Mau hiện đang là đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục mầm non trong toàn tỉnh. Toàn thành phố có 13 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, dự kiến trong năm 2016 sẽ tiếp tục xét duyệt thêm hai trường, nâng tổng số 15/22 trường mẫu giáo công lập đạt chuẩn. Năm 2016, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; khuyến khích phát triển giáo dục mầm non theo hướng xã hội hoá, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT TP Cà Mau, cơ sở vật chất trường lớp ở các trường mầm non đều đạt yêu cầu, có khoảng 35% số trường trong thành phố được đánh giá ngoài chuẩn cấp độ một trở lên. Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Cà Mau Trần Xuân Hải cho biết: “Với các trường nằm trong trung tâm thành phố, việc xã hội hoá dễ dàng hơn ở các tuyến xã. Hiện tại, phòng đang tập trung ưu tiên việc đầu tư kinh phí, tăng cường phát triển cơ sở vật chất cho các trường ở địa bàn các xã đúng theo chủ trương phát triển nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất giáo dục mầm non”. Ngoài việc ưu tiên cho các trường mầm non ở địa bàn xã, việc nâng cao chất lượng các trường trung tâm thành phố cũng được triển khai đồng loạt. Thông qua các chương trình như: xây dựng mô hình sân vườn trong khuôn viên trường học; lắp đặt các camera quan sát được triển khai 100% tại các trường trong trung tâm thành phố; hướng dẫn và chỉ đạo tham gia cuộc thi “Triển lãm và làm đồ dùng dạy học, đồ chơi” do Sở GD&ĐT tổ chức.
Với phương pháp giảng dạy lấy trẻ làm trọng tâm, giúp trẻ năng động, tự tin hơn trong quá trình học tập hay tham gia các hoạt động. |
Việc xây dựng các sân vườn vui chơi cho trẻ em tạo điều kiện cho trẻ tiếp thu và nhận thức thực tế hơn về sinh hoạt cuộc sống, thay vì phải xem qua các tranh ảnh, phim tài liệu. Cô Nguyễn Nguyệt Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, cho biết, nhà trường xây dựng các mảnh vườn cho các bé có thể tự trải nghiệm, khám phá về thiên nhiên; đặc biệt là những mảnh vườn trồng rau, các bé có thể tham gia cùng chăm sóc. Mỗi tuần sẽ có hai buổi sử dụng các nguyên liệu rau, củ từ mảnh vườn trong khuôn viên trường tự trồng. Ngoài giúp các bé trải nghiệm, đây cũng là một cách góp phần tiết kiệm kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí đó đầu tư vào những chương trình cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở cho nhà trường.
Nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh có thể gần gũi và nắm bắt hoạt động của trẻ khi đến trường, Phòng GD&ĐT TP Cà Mau đã triển khai đồng loạt đến các trường, yêu cầu lắp đặt các camera quan sát. Đây là một phương pháp mới trong trong việc quản lý giáo dục, giúp nhà trường có thể quản lý chặt chẽ các hoạt động của giáo viên và trẻ.
Cô Tiền Thị Tuyết Lang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen, cho biết: “Việc lắp đặt camera là một trong những vấn đề phụ huynh rất quan tâm để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em trong lớp học, việc làm này giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn. Trong thời gian đầu, việc giảng dạy trước máy quay trong nhiều giờ liền tạo rất nhiều áp lực cho giáo viên, nhưng trải qua một thời gian ngắn, mọi người đã thích nghi được với hoạt động này. Đây là hoạt động mang lại hiệu quả rất cao trong việc quản lý và nâng cao chất lượng dạy học cho nhà trường”. Dự kiến trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT TP Cà Mau sẽ tổ chức những buổi dự giờ thông qua các camera trong các lớp học.
Sử dụng các vật liệu đã qua sử dụng tạo ra những dụng cụ học tập hoặc những món đồ chơi là một trong những hoạt động khá thiết thực trong việc dạy trẻ biết bảo vệ môi trường. Thông qua cuộc thi giúp giáo viên phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học. Những món đồ dùng được tái chế từ đồ dùng hằng ngày đã qua sử dụng, giúp tiết kiệm được nhiều kinh phí, ngoài ra còn giúp các bé thích thú hơn, kích thích khả năng tư duy cho các em.
Hiện nay, giáo viên mầm non thuộc đơn vị TP Cà Mau đều đạt chuẩn và trên chuẩn, đa phần giáo viên đều có bằng đào tạo chuyên môn, tỷ lệ giáo viên có bằng đại học chuyên ngành sư phạm mầm non ngày một tăng. Mặc dù có những thay đổi tích cực nhưng việc phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục luôn là việc trọng tâm của ngành giáo dục thành phố nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, giúp giáo dục mầm non ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Trần Xuân Hải chia sẻ: "Với quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” đòi hỏi các giáo viên phải đổi mới không ngừng trong phương thức giảng dạy. Hằng năm, phòng luôn chọn ra những sáng kiến kinh nghiệm tiêu biểu, có tính khả thi cao, từ đó mở ra những chuyên đề đưa vào khai thác chuyên sâu, sau đó sẽ được áp dụng vào thực tế tuỳ thuộc vào điều kiện của từng đơn vị". Các lớp chuyên đề phổ cập mới về phương pháp, các chương trình giảng dạy, chăm sóc trẻ được phòng tổ chức và triển khai định kỳ vào đầu những dịp hè hoặc đầu năm học.
Cô Tiền Thị Tuyết Lang cho biết thêm: “Hằng năm, vào những dịp hè trường đều cử cán bộ, giáo viên đi tập huấn các chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục, sau đó đội ngũ này sẽ về triển khai lại với trường. Đặc biệt là những cán bộ quản lý bộ phận thực phẩm, hằng năm đều được cử đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ, bởi vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh trong thực phẩm cho trẻ được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm”.
Những cuộc vận động và phong trào thi đua hằng năm đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Việc đẩy mạnh các phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giúp cán bộ, giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn. Cuộc thi “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là cách để trui rèn đạo đức, phẩm chất lối sống, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên./.
Bài và ảnh: Khánh Phương