(CMO) Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách bảo hiểm an sinh của Ðảng và Nhà nước, do vậy, số người tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng lên qua từng năm, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu và đảm bảo an sinh xã hội tỉnh nhà.
Thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Ðảng BHXH Việt Nam về Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới (nghị quyết), BHXH tỉnh Cà Mau đã chủ động tham mưu và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh trong việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, công tác tuyên truyền. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH trong việc phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH đến người dân, doanh nghiệp.
Mỗi năm ngành BHXH Cà Mau phối hợp với các đơn vị, sở, ngành tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. |
Ða dạng hình thức tuyên truyền
Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết, mục tiêu nghị quyết hướng đến là đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, tiến tới BHXH toàn dân.
Bám sát tinh thần nghị quyết, BHXH tỉnh đã phổ biến quán triệt nội dung cốt lõi của nghị quyết đến 100% công chức, viên chức và lao động hợp đồng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức trong thực thi nhiệm vụ, công việc được giao. Theo đó, BHXH tỉnh, BHXH các huyện, lực lượng cộng tác viên tuyên truyền, nhân viên thu của các tổ chức dịch vụ do BHXH Việt Nam uỷ quyền thu BHXH, BHYT đã được được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BHXH, BHYT và nghiệp vụ thông tin, truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của 11 nội dung cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các luật, nghị quyết mới của Quốc hội, cụ thể hoá nội dung cải cách BHXH.
Ðể truyền thông đạt hiệu quả, BHXH tỉnh thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, như truyền thông nhóm nhỏ thông qua việc ký quy chế phối hợp tuyên truyền thực hiện BHXH, BHYT với các đơn vị, sở, ngành trong tỉnh (đã ký kết phối hợp tuyên truyền với Liên minh Hợp tác xã; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn...).
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn thực hiện truyền thông trên môi trường Internet qua các trang mạng xã hội của đơn vị (Fanpage, Zalo, Youtube); hay thực hiện livestream, qua ứng dụng Zoom, qua điểm cầu... Qua đó, số lượt đăng tải, chia sẻ các sản phẩm truyền thông trên Fanpage, Zalo, Youtube của đơn vị tăng lên rất cao, người dân, người lao động quan tâm, tương tác nhiều trên các trang mạng xã hội của đơn vị, cá nhân, từ đó kịp thời giải đáp nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân.
Nhờ BHXH tỉnh đa dạng hoá các hình thức truyền thông, người dân đã ý thức hơn đối với việc tham gia BHXH, BHYT, từ đó số người tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng lên.
Tiếp tục đổi mới hoạt động truyền thông
Ðể đẩy mạnh công tác truyền thông về BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong những năm tiếp theo, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức dịch vụ thu, BHXH tỉnh sẽ mở rộng tuyên truyền đến người lao động tự do trên địa bàn dân cư, các hộ tiểu thương; người lao động làm việc hưởng lương theo ngày, theo sản phẩm trong các doanh nghiệp; xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác; người lao động trong các làng nghề; người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian đóng, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm; các nghiệp đoàn xe ôm, taxi...
Ðồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho viên chức cơ quan BHXH, cán bộ các hội, đoàn thể, cán bộ chủ chốt xã, phường, nhất là trưởng ấp, bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể ấp, khóm, cộng tác viên dân số - trẻ em, cộng tác viên tư vấn...; hay tổ chức các hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng truyền thông. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng kịch bản sân khấu hoá, như tiểu phẩm, kịch bản những câu chuyện truyền thông về BHXH tự nguyện.
Theo đó, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu; chấm dứt hợp đồng đối với tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu hoạt động kém hiệu quả, làm ảnh hưởng đến hoạt động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tập huấn, bồi dưỡng mới, nâng cao số lượng và chất lượng nhân viên thu BHXH, BHYT đối với tổ chức dịch vụ thu đảm bảo mỗi ấp/khóm có từ 3 nhân viên thu trở lên. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đối với ấp, khóm, hội viên, cộng tác viên ấp, khóm... hướng tới trở thành cộng tác viên tuyên truyền về BHXH, BHYT ở cơ sở./.
Phúc Duy