(CMO) Sáng 29/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Trung tâm Truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo chủ đề “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống”.
Dự hội thảo có bà Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo; ông Hồ Trung Việt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau.
Bà Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu chỉ đạo hội thảo. |
Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), số người tham gia BHYT hàng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 957.420 người tham gia BHYT, đạt 88,98% dân số, phấn đấu đến cuối năm phát triển 1.090.365 người tham gia BHYT theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Tỷ lệ bao phủ BHYT giảm so với đầu năm (đạt 90,77% dân số). Nguyên nhân giảm do theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cà Mau có 35 xã bị tác động, 183 ấp giảm hẳn. Theo đó, có 144.738 người không còn được ngân sách đóng BHYT; đã vận động tham gia BHYT hộ gia đình 64.299 người, còn lại 80.464 người chưa tham gia BHYT.
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Hội thảo có các tham luận về vai trò của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT; nâng cao nhận thức của đảng viên về chính sách BHXH, BHYT qua sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh hoạt động giám sát việc vận động toàn dân tham gia BHYT năm 2022; đổi mới công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia BHYT.
Đại biểu tham dự cũng có nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất giải pháp phối hợp giữa BHXH với chính quyền địa phương để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời gian tới.
Ông Đỗ Minh Thắng, Trưởng phòng Bảo hiểm y tế - Quản lý hành nghề, Sở Y tế tỉnh Cà Mau, chia sẻ về việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh. |
Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, cho rằng, mặc dù công nghệ phát triển có thể đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội, qua Internet nhưng phương thức tuyên truyền cổ xưa nhất nhưng hiệu quả nhất là có thể gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, thuyết phục. Do vậy, ngoài hình thức tuyên truyền khác thì tuyên truyền miệng vẫn là quan trọng nhất, nó tác động đến chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.
Theo bà Đỗ Phương Thảo, để tuyên truyền miệng hiệu quả thì khi tuyên truyền cần phải gắn với đối tượng cụ thể, trước mắt là những người chịu tác động của sự thay đổi chính sách; và hiệu quả tuyên truyền miệng phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên./.
Hồng Phượng