Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới. Vậy cần có giải pháp nào để tiếp tục giữ vững mục tiêu đã đạt trong năm học qua và tiến tới bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.
Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới. Vậy cần có giải pháp nào để tiếp tục giữ vững mục tiêu đã đạt trong năm học qua và tiến tới bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.
Đối tượng tham gia BHYT gồm toàn bộ HSSV từ cấp tiểu học trở lên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo: công lập, dân lập, tư thục, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề (trừ HSSV đã được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng diện hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân ngành công an, quân đội, người đang sinh sống tại các xã bãi ngang).
Học sinh Trường THPT Tắc Vân, TP Cà Mau, kiểm tra sức khoẻ tại trường học. |
Theo báo cáo tổng kết công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2015-2016 và kế hoạch thực hiện BHYT HSSV năm học 2016-2017, Cà Mau hiện có 265 trường tiểu học, 115 trường THCS; 33 trường THPT và 6 trường cao đẳng, chuyên nghiệp, năm học 2015-2016 toàn tỉnh có 194.965/220.204 HSSV tham gia BHYT, đạt 88,54% so với tổng số học sinh trong tỉnh, trong đó, huyện U Minh và huyện Ngọc Hiển có 100% học sinh có thẻ BHYT.
Công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho HSSV luôn được đảm bảo, ngoài việc ký hợp đồng KCB với 111 cơ sở y tế thực hiện KCB BHYT trong tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh chi nguồn kinh phí trích lại từ 7% quỹ BHYT cho y tế học đường 414 trường với số tiền 4,19 tỷ đồng để các trường thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh và tổ chức các hoạt động y tế học đường, mua sắm dụng cụ, thuốc, vật tư y tế, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho các học sinh…
Theo thống kê, năm học 2015-2016 có 105.846 lượt HSSV khám nội, ngoại trú với tổng chi phí 38,61 tỷ đồng, nhiều em bệnh nặng với chi phí rất cao, như em Nguyễn Hải Tài, lớp 12C6, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, có số tiền điều trị được quỹ BHYT chi trả 153 triệu đồng; em Lê Thảo Nguyên, Trường Tiểu học 4, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân số tiền 81 triệu đồng; em Huỳnh Văn Diện, Trường THCS Thới Bình, có mức phí điều trị 36,6 triệu đồng…
Quỹ BHYT đã góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều gia đình HSSV. Qua đây, phụ huynh và học sinh đã ý thức và thấy được mục đích, ý nghĩa khi tham gia BHYT. Ngoài ra, hệ thống y tế trường học được củng cố, chất lượng được nâng lên, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ngày càng tốt hơn cho HSSV.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác BHYT HSSV năm học 2015-2016, ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, yêu cầu, để nâng cao chất lượng công tác y tế trường học và BHYT cho HSSV năm học 2016-2017, các trường trong tỉnh cần ký hợp đồng với nhân viên y tế có trình độ chuyên môn phải từ y sĩ, biết khám bệnh chăm sóc các em tại y tế trường học, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ tốt cho HSSV.
Ông Cao Minh Hồng nói, việc tham gia BHYT của học sinh tại nhiều điểm trường trong tỉnh năm học qua còn quá thấp, như: Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái 1, chỉ có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT 28,96%; Trường THCS Mỹ Bình, Phú Tân, tỷ lệ học sinh tham gia chỉ 4,15%... ông đề nghị hiệu trưởng một số điểm trường có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT có mức thấp dưới 50% nên xem xét lại công tác thực hiện chính sách pháp luật về Luật BHYT.
Ðiểm mới là mức đóng BHYT học sinh, sinh viên từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%. HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự đóng. Dù thực hiện theo cách nào thì số tiền đóng phí BHYT cũng khá lớn (tổng cộng khoảng 534.000 đồng/học sinh), nên công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn giải thích cho phụ huynh, cho HSSV, lãnh đạo nhà trường và cán bộ ngành giáo dục để thấu hiểu, để cùng bàn bạc, tháo gỡ khó khăn vẫn luôn là vấn đề không thể xem nhẹ, dù đã triển khai nhiều năm.
Việc nâng mức đóng đã được quy định trong văn bản pháp luật, không cần bàn thêm nhưng phải giải thích để học sinh hiểu là vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, là vì quyền lợi học sinh được đảm bảo hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu được tốt hơn./.
Bài và ảnh: Minh Sậm