Sáng 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về an toàn thông tin cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ phụ trách truyền thông tại các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu được nhà báo Lê Nghiêm, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam chia sẻ về việc phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Theo cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có 8 điều cần nhớ. Cụ thể: dấu hiệu nhận biết một tin giả; cách xác định tin giả; làm thế nào để tránh “bẫy tin giả”; phải làm gì nếu lỡ đăng tải; chia sẻ tin giả, tin sai sự thật; cách xử lý khi thấy tin giả; hành động có trách nhiệm trên không gian mạng; hậu quả của việc cung cấp, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật và các mức phạt hành chính, xử lý hình sự.
Nhà báo Lê Nghiêm, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, chia sẻ về việc phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Nhà báo Lê Nghiêm cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số sử dụng Internet tích cực nhất trên thế giới với khoảng 72,1 triệu người (số liệu năm 2022 của We are Social). Xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, xã hội..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua buổi tập huấn, các đại biểu nắm được các thông tin, kỹ năng cơ bản, những kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay. Có giải pháp thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động./.
Phúc Duy