(CMO) Trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi có 2 ca tử vong vì bệnh dại. Các trường hợp này đều bị chó dại cắn nhưng do chủ quan, không tiêm phòng đúng quy định dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Bệnh nhân mất vì chó dại cắn gần đây nhất là bé Huỳnh Chí Bảo, sinh năm 2005, ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt. Cha Chí Bảo - ông Huỳnh Quốc Phong, cho biết: Khoảng 2 tháng trước, bé bị chó chạy rông cắn ngay mũi, có chảy máu nhưng không đi tiêm phòng dại. Đến ngày 13/5, bé bị sốt, người nhà mua thuốc cho bé uống nhưng không giảm. Sáng hôm sau bé vẫn sốt, kèm nôn ói, chóng mặt, tê tay, lo lắng, sợ nước, sợ gió nên người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi khám và nhập viện với chẩn đoán là hội chứng não cấp/theo dõi bệnh dại. Chiều cùng ngày, bệnh không giảm nên bé được chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau. Sau đó bé được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, sáng hôm sau thì mất (ngày 15/5).
Em bé sau khi bị chó cắn vào trán đã được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm ngừa bệnh dại. |
Ngày 22/4, tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, anh Nguyễn Văn Đực (28 tuổi) đến thị trấn Đầm Dơi có việc thì bị chó dại cắn. Tuy nhiên, anh không đi chích ngừa, vài ngày sau thì mất.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt Nguyễn Hoàng Nghĩa cho biết, sau khi bé Huỳnh Chí Bảo mất, xã phối hợp với Trạm Thú y, Phòng NN&PTNT huyện rà soát và tiêm phòng dại cho toàn bộ chó, mèo trên địa bàn ấp Bá Huê (239 con chó, 75 con mèo); 8 ấp còn lại đã rà soát, thống kê có 2.685 con chó, mèo chuẩn bị được tiêm ngừa.
Khoảng hơn 2 tháng trước, tại Khóm 2, thị trấn trần Văn Thời cũng có 1 người chết vì phát bệnh dại. Phó chủ tịch UBND thị trấn Trần Văn Thời Trịnh Việt Khái cho biết, người nhà thông tin lại là gần 2 năm trước bệnh nhân bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng dại. Sau đó gia đình làm thịt con chó ăn. Gần 2 năm sau người bị chó cắn mới phát bệnh, nằm viện gần 1 tuần thì mất. Sau đó xã phối hợp với ngành y tế hỗ trợ các thành viên còn lại trong gia đình đi chích ngừa, đồng thời khoanh vùng bán kính 200 m xung quanh gia đình nạn nhân để tiêu độc, khử trùng và rà soát tiêm ngừa chó, mèo tại khu vực. Hiện thị trấn đang rà soát chó, mèo trên toàn địa bàn.
Chó, mèo được nhiều gia đình ở nước ta nuôi vừa để giữ nhà, vừa làm thực phẩm, vì thế số lượng đàn chó, mèo tại các địa phương rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý đàn chó, mèo tại các địa phương còn lỏng lẻo như chó ra ngoài không rọ mõm, chó chạy rông ngoài đường rất nhiều… Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo ở các địa phương chưa cao vì sự quan tâm và nhận thức của người dân đối với việc này còn hạn chế. Ngoài ra, do suy nghĩ chủ quan, không phải tất cả những trường hợp bị chó, mèo cắn đều mắc bệnh dại nên nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Thành Huy cho biết: "Từ tháng 11/2017, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 và đã được lãnh đạo tỉnh thống nhất. Theo đó, ngày 2/5, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống bệnh dại. Đến ngày 9/5, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản bổ sung kinh phí thực hiện chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Cà Mau. UBND tỉnh thống nhất kinh phí thực hiện chương trình này năm 2018 là hơn 1,36 tỷ đồng, giao Sở Tài chính cân đối nguồn, cấp kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện. Gần đây nhất là ngày 21/5, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại".
Ông Nguyễn Thành Huy cho biết thêm, kinh phí thực hiện chương trình năm 2018 đã được cấp, hiện chi cục còn dự trữ 3.700 liều vắc-xin trước mắt sẽ tiêm miễn phí cho hơn 2.900 con chó, mèo trên địa bàn xã Tân Duyệt, rồi tiếp tục tiêm cho chó, mèo thị trấn Đầm Dơi, sau đó sẽ mở rộng ra toàn tỉnh.
Cà Mau là tỉnh có số ca mắc bệnh dại nhiều nhất trong 20 tỉnh, thành phía Nam từ Lâm Đồng đến Cà Mau. Ngày 24/5, sau khi đoàn khảo sát của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau và đi khảo sát thực tế tại vùng dịch xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Bác sĩ Phan Công Hùng, chuyên viên Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, thông tin: Năm 2017, 20 tỉnh khu vực phía Nam chỉ có 10 ca bệnh dại, nhưng chưa được 6 tháng đầu năm 2018 đã có 7 ca, riêng Cà Mau có đến 3 ca, chiếm hơn 43% toàn khu vực. Đặc biệt, trong vòng 1 tháng gần đây, tại huyên Đầm Dơi có 2 ca bệnh dại.
Trước đây, ngày 13/3, có 1 ca tại thị trấn Trần Văn Thời, ông Hùng cũng đã xuống cùng địa phương xử lý dịch, sau đó ông đề nghị một số hoạt động như truyền thông, tiêm phòng cho người tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân (UBND thị trấn hỗ trợ tiền cho 4 người nhà bệnh nhân tiêm phòng). Ngành thú y cũng đã tiêm phòng cho chó ở khu vực xung quanh. Ông Hùng ghi nhận những nỗ lực của Cà Mau sau ca bệnh dại chết tại thị trấn Trần Văn Thời.
Theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 8/5/2014 của Bộ Y tế về việc phê duyệt "Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người", ông Hùng xác định ổ dịch bệnh dại đang lưu hành trên đàn chó địa bàn huyện Đầm Dơi, ngành y tế đã tổ chức tẩy trùng trong bệnh viện, tại nhà bệnh nhân, tổ chức tiêm phòng cho người nhà bệnh nhân.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế, Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, ông Hùng đã cùng với 2 ngành đưa ra giải pháp: Trước mắt sẽ tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn xã Tân Duyệt và thị trấn Đầm Dơi, đồng thời mở lớp tập huấn tại huyện Đầm Dơi, mời các huyện khác cùng tham dự để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại.
Hồng Phượng
Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do vi-rút, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật. Khi bị động vật dại cắn, bệnh nhân lên cơn dại có biểu hiện lâm sàng rất rõ nét như: đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn. Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn. Đặc biệt, tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều tử vong. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại. |