(CMO) TP Cà Mau luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua một năm nỗ lực của Ðảng bộ và chính quyền, công tác CCHC trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
Để xây dựng nền hành chính hiện đại, TP Cà Mau tập trung hướng đến xây dựng chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số. UBND thành phố chỉ đạo UBND 17 xã, phường thành lập 115 tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCÐ) tại ấp, khóm, với trên 500 thành viên. Ðây là những “cánh tay nối dài” liên kết giữa chính quyền và Nhân dân, góp phần đưa công nghệ số đến với từng người, từng nhà, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, đưa công dân lên môi trường số, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử hiện đại. Từ khi triển khai đến nay, các TCNSCÐ đã trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho gần 25% hộ gia đình trên địa bàn thành phố, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
TP Cà Mau ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: THANH MINH |
Ông Lâm Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND Phường 6, cho biết: "Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, các TCNSCÐ trên địa bàn phối hợp với Viễn thông Cà Mau và các đơn vị liên quan tổ chức ra quân vận động, hướng dẫn người dân đăng ký sim chính chủ, cài đặt và sử dụng các phần mềm tiện ích trên điện thoại thông minh như: dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa, sổ khám sức khoẻ điện tử, khai thuế điện tử, sàn thương mại điện tử... Những ngày cuối năm, các thành viên tổ càng nỗ lực, tích cực hoạt động hơn, phấn đấu 100% người dân của phường được cập nhật công nghệ số".
Với những hiệu quả và lợi ích thiết thực mang lại, việc cài đặt và sử dụng các phần mềm được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Vừa thao tác trên điện thoại qua phần mềm CaMau-G được TCNSCÐ hướng dẫn cài đặt, ông Trần Minh Hén (Khóm 4, Phường 6), cho biết: "Phần mềm này rất tiện ích. Chỉ cần lướt trên điện thoại, tôi có thể biết được các thông tin của tỉnh về chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường, đất đai, các thủ tục hành chính... Nhất là ứng dụng phản ánh hiện trường. Ở đâu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất trật tự đô thị, an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội... hoặc là những đóng góp, kiến nghị chính đáng của bà con Nhân dân phản ánh lên đều được các cơ quan chức năng tiếp nhận, trả lời và xử lý kịp thời, nhanh chóng".
Ngoài các kênh truyền thông như trạm truyền thanh, trang Zalo, từ tháng 5/2022, UBND các xã, phường còn triển khai mô hình thông báo các hoạt động của đơn vị qua tin nhắn SMS trực tiếp đến số điện thoại của người dân khi địa phương có những thông báo cần thiết như: treo cờ Tổ quốc; lịch nghỉ các ngày lễ, Tết; làm căn cước công dân; lịch tiêm ngừa; vận động trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; tuyên truyền các quy định của địa phương… Qua đó, người dân kịp thời nắm bắt thông tin để thực hiện.
Những ngày cuối năm, chị Võ Diễm My và anh Trần Xuân Nhu đến Bộ phận Một cửa Phường 1 làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chỉ trong vòng 15 phút, anh chị đã nhận được kết quả đăng ký. Chị Võ Diễm My (Khóm 5, Phường 1) phấn khởi: “Tôi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn được cán bộ ở bộ phận một cửa hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và đăng ký qua app trên điện thoại. Tôi thấy việc hướng dẫn rất rõ ràng, dễ hiểu, nhanh hơn và đỡ rườm rà so với làm văn bản giấy rất nhiều. Tôi không nghĩ là nhanh đến vậy, không mất thời gian chờ đợi. Tôi rất hài lòng”.
Trong năm, Bộ phận Một cửa Phường 1 tiếp nhận trên 2.000 hồ sơ, trong đó có gần 700 hồ sơ trả kết quả tại nhà, 100% hồ sơ đều được giải quyết đúng và trước hạn. Phường 1 đã thành lập Tổ hướng dẫn, hỗ trợ DVCTT trực tại bộ phận một cửa, hỗ trợ tạo DVCTT trên 500 tài khoản. Ðồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản để thực hiện các TTHC trên điện thoại thông minh một cách nhanh chóng, tiện lợi, hạn chế sử dụng văn bản giấy.
Ông Trần Hoàng Kiệt, Phó chủ tịch UBND Phường 1, cho biết: "Ngoài việc phát huy những mô hình đã có từ trước, thời gian tới, UBND phường sẽ triển khai mô hình Khu dân cư điện tử tại đường Lý Văn Lâm, thuộc Khóm 6, với mục tiêu 100% hộ dân có tài khoản DVCTT và sử dụng thành thạo, thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (nếu là hộ kinh doanh)".
Bộ phận một cửa ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động để phục vụ tốt nhất cho người dân. |
Ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết: "Năm 2023, thành phố sẽ đưa vào vận hành hệ thống chatbot trên trang Zalo OA của UBND thành phố để giải đáp các thông tin cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính, trả lời cho người dân về thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ DVCTT, trả lời các thông tin cơ bản về du lịch, sản phẩm OCOP, cơ sở y tế… nhằm hướng đến xây dựng chính quyền thân thiện, gần gũi với Nhân dân. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, vận dụng có hiệu quả các giải pháp công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động liên quan đến TTHC được giải quyết nhanh, kịp thời, đẩy mạnh số lượng, chất lượng DVCTT, góp phần chuyển đổi số trong dịch vụ công, gia tăng số lượng hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng, trong đó lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố ngày càng phát triển".
Năm 2022, UBND TP Cà Mau rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 138 thủ tục, trong đó có 17 thủ tục cắt giảm dưới 30%, 102 thủ tục cắt giảm từ 30-50%, 19 thủ tục cắt giảm từ 51-75% và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy trình “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) trong giải quyết TTHC đối với 7 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, giúp cắt giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thái Trinh