(CMO) Tuyến Quốc lộ 63, đoạn nội ô TP. Cà Mau được bố trí sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để nâng cấp mở rộng với tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 151 tỷ đồng. Nếu được cấp đủ vốn, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trong thời gian thi công 6 tháng.
Quốc lộ 63 có chiều dài 110 km, đi từ Cà Mau qua tỉnh Kiên Giang, với số tiền đầu tư xây dựng trên 1.000 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2000 (đoạn ngang qua tỉnh Cà Mau có chiều dài 40 km). Đến nay, cùng với quy mô và nhu cầu phát triển giao thông bộ, tuyến đường đã trở nên “không đồng bộ”, quá tải.
Theo tập quán sinh sống và phân bố dân cư, dọc theo chiều dài 40 km trên địa phận Cà Mau, Quốc lộ 63 đi qua 7 xã, phường (từ cuối đường Nguyễn Trãi, Phường 9, TP. Cà Mau đến xã Trí Lực, huyện Thới Bình). Đồng thời, tuyến quốc lộ này cũng như đoạn xương sống của vùng ven Cà Mau khi đi xuyên qua 3 khu vực chợ xã sầm uất, kéo theo đó là hàng ngàn quán ăn uống, tạp hoá và ki-ốt che chắn của người dân buôn bán, kinh doanh. Nhiều đoạn, người dân che chắn, lấn chiếm buôn bán hàng hoá nên hành lang an toàn giao thông càng thêm hẹp.
Thời gian qua, nhiều địa phương mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, song, trật tự không được duy trì ổn định lâu dài. Khu vực chợ nhóm cầu số 6 thuộc Ấp 7, xã Tân Lộc là một trong các khu chợ tự phát có quy mô sầm uất và mua bán náo nhiệt.
Đoạn đường Phường 9 giáp phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau chưa được mở rộng theo quy mô và nhu cầu phát triển. |
Trong khi các nhóm chợ cũ chưa “dẹp yên” thì tuyến đường này đang nhen nhóm hình thành nhóm chợ mới, lấn hành lang an toàn đường bộ ngay khu vực dốc cầu Chợ Hội, xã Tân Phú và khu vực tự phát ngay cống Kinh Mới, đoạn giáp giữa Phường 9 với phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau. Thời điểm hiện tại, đoạn qua khu vực này như “cái nút chai” không ngừng “vươn” ra tâm quốc lộ.
Chỉ tính riêng đoạn đường khoảng 2,5 km thuộc nội ô TP. Cà Mau (giáp đường Nguyễn Trãi, Phường 9) thì vài năm trở lại đây việc che chắn, lấn chiếm lộ để mua bán diễn ra khó kiểm soát. Tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ về việc nâng cấp đoạn đường nội ô này từ năm 2014. Bộ Giao thông đã uỷ quyền để Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa được bố trí đủ vốn.
Theo đó, tuyến này sẽ được bố trí sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để nâng cấp mở rộng với tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng. “Trung ương chỉ mới giải ngân được 151 tỷ đồng và đã giải ngân hết trong năm 2017, riêng năm 2018 vẫn chưa bố trí được vốn. Do là tuyến thuộc nội ô thành phố nên công trình dở dang đã gây mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. Nếu được cấp đủ vốn, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trong thời gian thi công 6 tháng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi thông tin.
Tại Báo cáo số 5364/UBND-XD ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh Cà Mau đánh giá: công trình này hiện đã tiến hành với tổng khối lượng thực hiện 245 tỷ đồng, do đó nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để thực hiện hoàn thành dự án còn cần khoảng 283 tỷ đồng nữa. Công trình hoàn thành, ngoài giải quyết được “nút chai” khu vực cửa ngõ TP. Cà Mau hướng Quốc lộ 63, còn kết nối Quốc lộ 63 với tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp, các tuyến đường vành đai và lộ Xuyên Á, đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông./.
Phong Phú