Cà Mau đang dồn sức để hoàn thiện công tác chuẩn bị. Trên thực tế, lĩnh vực giáo dục đã được tập trung quan tâm, đầu tư rất lớn trong thời gian qua, kết quả thu nhận được cũng hết sức tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều "bài toán" khó mà Cà Mau cần phải giải quyết để giáo dục thật sự sẵn sàng cho năm học mới.
Năm học mới đã cận kề, Cà Mau đang dồn sức để hoàn thiện công tác chuẩn bị. Trên thực tế, lĩnh vực giáo dục đã được tập trung quan tâm, đầu tư rất lớn trong thời gian qua, kết quả thu nhận được cũng hết sức tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều "bài toán" khó mà Cà Mau cần phải giải quyết để giáo dục thật sự sẵn sàng cho năm học mới.
Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Liêm cho biết: “Ngành luôn nỗ lực giải quyết các khó khăn, đưa giáo dục Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng. Quá trình này cần sự quan tâm, chỉ đạo và trợ sức nhiều hơn nữa của các cấp, ngành”.
Kinh phí chưa đảm bảo
Tình trạng thiếu hụt nguồn chi trả chế độ, chính sách cho giáo viên của tỉnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ chi trả khoảng 42% kiến nghị của các địa phương. Theo đó, hầu hết các đơn vị đều vướng trong việc cân đối, tìm nguồn chi trả, dẫn đến tình trạng không thực hiện chế độ, chính sách kịp thời.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HÐND tỉnh: “Trong giai đoạn ổn định ngân sách, một số chính sách, chế độ phát sinh và có chiều hướng tăng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên”.
Ðoàn Giám sát HÐND tỉnh đến kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Cà Mau. |
Ở góc độ của địa phương, kiến nghị chung là kinh phí phân giao hằng năm chi cho sự nghiệp giáo dục là không đảm bảo. Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, kiến nghị: “Tổng kinh phí hoạt động năm 2016 là 21,5 tỷ đồng, tỷ lệ trên 10%, so với yêu cầu tối thiểu vẫn chưa đảm bảo”. Theo ông Vũ thì kinh phí hoạt động giao cho sự nghiệp giáo dục chưa đáp ứng thực tế (thông tin từ Tổ kiểm tra của Sở Tài chính, chỉ duy nhất huyện Phú Tân đảm bảo chi đủ các chế độ, chính sách).
Huyện U Minh cũng trong tình trạng tương tự. Ngoài báo cáo thiếu hụt hơn 21 tỷ đồng thực hiện các chế độ, chính sách, huyện cũng đang rất khó khăn khi chuẩn bị cho năm học mới.
Ông Trịnh Văn Ngọt, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Kinh phí phân giao cho sự nghiệp giáo dục còn chưa đảm bảo thực tế, với U Minh thì càng khó, bởi bình quân số học sinh trên lớp học thấp, chỉ khoảng 22 em/lớp”.
Riêng huyện Cái Nước, tình trạng chậm chi trả lương cho giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống giáo viên. Theo báo cáo của Sở Tài chính, huyện Cái Nước không có nguồn chi cho hoạt động trong năm 2015. Nguyên nhân là nguồn chi cho con người ở mức lớn, khi huyện có bình quân hệ số lương giáo viên thuộc dạng cao nhất tỉnh. Kinh phí sự nghiệp phân giao thì không tăng, dẫn đến tình trạng hụt nguồn chi các chế độ, chính sách và chậm lương của giáo viên.
Nhân lực và cơ sở vật chất vẫn thiếu
Dù đã có nhiều cố gắng, song tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục vẫn là bài toán hóc búa với nhiều địa phương Cà Mau.
Tại địa bàn huyện Ðầm Dơi, ông Võ Lợi, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện, thông tin: “Bàn ghế học sinh hiện tại xuống cấp, cần nhanh chóng tìm nguồn để mua sắm, phục vụ giảng dạy trong năm học mới cận kề. Việc đầu tư cho các trường cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt các nguồn chi trả chế độ, chính sách”.
Chưa kể, Ðầm Dơi vẫn còn thiếu 170 quản lý, giáo viên, nhân viên, mới đảm bảo các hoạt động trong năm học mới. Nhu cầu của huyện là xây dựng mới thêm phòng học ở bậc mầm non để đảm bảo chuẩn phổ cập.
Vấn đề biên chế giáo viên thiếu, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp cũng là những áp lực lớn của huyện U Minh trước thềm năm học mới. Ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện, chia sẻ: “So với thực trạng trường lớp năm học mới thì huyện thừa 23 cán bộ quản lý, nhà giáo nhưng lại thiếu đến 107 người”.
Ngay tại trung tâm thị trấn U Minh, Trường THCS Nguyễn Thái Bình vẫn gặp khó khăn trong việc trang bị bàn ghế cho học sinh. Thầy Nguyễn Vũ Linh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Bàn thì cũ hết rồi, trang bị không đồng bộ, cũng chẳng theo quy chuẩn gì, năm học mới mà vẫn khó khăn cũ, nhà trường cũng chưa biết tính sao”.
Ông Lạc phân tích: “Cơ sở vật chất được đầu tư nhiều năm xuống cấp cần trang bị lại là cần thiết. Thêm nữa, là áp lực đầu tư xây dựng để các trường đạt chuẩn quốc gia là rất lớn, riêng địa phương thì không thể kham nổi”. Vấn đề hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chỉ giải quyết được 234 căn, trong khi đó nhu cầu thực tế là trên 1.300 căn.
Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau Cao Minh Hồng cho biết: “Nhu cầu của giáo viên là chính đáng, nhưng ngành không có nguồn xây dựng, bởi không nằm trong diện ưu đãi về vốn”./.
Ngày 22/8, Ðoàn Giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội, HÐND tỉnh đến giám sát tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cà Mau và làm việc với UBND TP Cà Mau về các nội dung triển khai chế độ, chính sách đối với giáo viên và công tác chuẩn bị năm học mới. Tính riêng 6 tháng đầu năm, ngành giáo dục TP Cà Mau thiếu khoảng 26 tỷ đồng để chi trả các khoản. Về cơ bản, nguồn nhân lực của ngành giáo dục thành phố đáp ứng được hoạt động, tuy nhiên, tình trạng cơ sở vật chất thiếu, nhu cầu nhà ở công vụ cho giáo viên có hoàn cảnh cũng đã được kiến nghị, đề xuất hỗ trợ. Chiều 22/8, đoàn giám sát có buổi làm việc với Sở GD&ÐT. Theo đó, Sở GD&ÐT kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền cần có đánh giá, phân tích khách quan để nguồn kinh phí hoạt động giáo dục thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn, từ đó, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho giáo viên. Ngành giáo dục cũng đang rất khó khăn trong việc đầu tư, trang bị, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống trường lớp, nhất là với áp lực đầu tư đạt chuẩn. Sở cũng sẽ kiên quyết thực hiện việc sắp xếp, tính toán nguồn nhân lực hợp lý, nhưng rất cần sự chỉ đạo cụ thể để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương lưu ý: “Ðoàn giám sát hết sức chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục, tuy nhiên, kinh phí phân giao đã được thực hiện theo đúng quy định. Các địa phương không thể sử dụng kinh phí phân bổ mà không bám sát nhiệm vụ chi. Tình trạng hụt nguồn chi trả các chế độ chính sách cho giáo viên có trách nhiệm của các địa phương”. |
Bài và ảnh: Phạm Nguyên