Tôi gặp em trong một buổi chiều mưa lạnh. Hôm ấy tôi trên đường đi dạy về, nhìn từ xa thấy một dáng người nhỏ bé trong chiếc áo mưa cũ kỹ, tay cầm bọc năn, miệng rao: “Ai mua năn không!”.
Tôi gặp em trong một buổi chiều mưa lạnh. Hôm ấy tôi trên đường đi dạy về, nhìn từ xa thấy một dáng người nhỏ bé trong chiếc áo mưa cũ kỹ, tay cầm bọc năn, miệng rao: “Ai mua năn không!”.
Tôi đến gần em và bảo: “Bé ơi, bán cho cô đi để về sớm, khỏi lạnh”. Thật ngạc nhiên và tôi thấy nhói đau, trước mắt là học trò tôi, em Trần Lâm Linh, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Tân Phong, xã Tân Lộc Ðông, huyên Thới Bình. Và từ đó tôi bắt đầu biết câu chuyện về gia đình em.
Em Trần Lâm Linh. |
Khi em mới sinh ra, cha em mắc phải căn bệnh thần kinh, tất cả mọi gánh vác trong gia đình đều đè nặng lên đôi vai của mẹ. Một mình mẹ em với mấy công vuông ít ỏi phải chăm sóc cha mẹ già, chồng, cùng 2 đứa con thơ. Thu nhập bấp bênh, mẹ em phải chạy vạy tiền để mua thuốc cho cha em và lo trang trải cho cả gia đình. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả, mẹ vẫn cố gắng cho em đến trường.
Dù mới 15 tuổi, em đã rất hiểu và thương cho những vất vả mà mẹ em phải chịu. Em tự nhủ, phải cố gắng học để không phụ tấm lòng của mẹ. Có lúc phải lội bùn đến lớp, dù có khi phải khóc thầm vì không có tiền đóng học phí, nhưng chưa bao giờ cô học trò này nản chí, chùn chân. Nhiều năm liền em là học sinh khá, giỏi của trường. Các phong trào của trường, lớp em đều tham gia nhiệt tình, đặc biệt em có năng khiếu ở môn Ngữ văn. Lâm Linh để lại ấn tượng đặc biệt cho tôi không chỉ ở những thành tích học tập và trong các phong trào mà còn ở quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để đến lớp.
Chính cái buổi chiều hôm đó, tôi đã hiểu thêm về cô học trò của mình. Tôi bắt đầu có sự quan tâm hơn đối với em. Nếu có phần quà nào trợ cấp cho học sinh nghèo, tôi đều đề nghị cho em. Cô trò dần trở nên thân thiết. Mỗi khi gặp chuyện buồn hay khó khăn em đều tâm sự với tôi. Những lúc cô trò ngồi bên nhau, em thường kể: “Mẹ không cho em đi làm tiếp mẹ, mẹ nói chỉ cần em dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc ông bà và dành thời gian học là mẹ mừng lắm rồi. Mẹ em tâm sự, vì nhà nghèo, lúc nhỏ mẹ không được học tới nơi tới chốn nên giờ phải đi làm đủ thứ nghề: vác lúa, dặm lúa, làm cỏ, hết mùa thì đi đặt cá, bắt ốc về bán... Giờ thấy em học giỏi, mẹ rất vui, mẹ cố gắng lo cho em học tập để có tương lai sau này”.
Lớn lên trong khó nhọc, đến trường bằng những chắt chiu, dành dụm của mẹ, cô trò nhỏ sớm ý thức được cuộc sống gian nan của gia đình nên càng cố gắng nhiều hơn trong học tập, để có được tương lai tươi sáng hơn cho mai này. Trong ngôi nhà đơn sơ hằn dấu vết thời gian, bảng thành tích học tập và sự chuyên cần của Lâm Linh là động lực, là niềm tin để mẹ em thêm vững lòng, bền chí trước khó khăn và cũng là lối ra cho những tăm tối của phận nghèo./.
Nguyễn Thị Thanh Thuý, Trường THCS Tân Phong (Bài đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết “Thầy và trò cùng vượt khó”)