Bị khuyết tật bẩm sinh, mắc những chứng bệnh nan y, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng nhiều học sinh ở huyện U Minh đã vượt qua khó khăn để đến trường. Các em đã trở thành con ngoan, trò giỏi, là tấm gương sáng cho nhiều học sinh noi theo.
Bị khuyết tật bẩm sinh, mắc những chứng bệnh nan y, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng nhiều học sinh ở huyện U Minh đã vượt qua khó khăn để đến trường. Các em đã trở thành con ngoan, trò giỏi, là tấm gương sáng cho nhiều học sinh noi theo.
Em Ðỗ Thị Ngọc Mãi, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hài, xã Khánh Hoà, là một trong những tấm gương tiêu biểu nhất về nghị lực vượt khó. Mặc dù đôi tay bị dị tật bẩm sinh, nhưng Mãi đã chăm chỉ luyện tập khi còn nhỏ. Em không chỉ học giỏi, vẽ đẹp mà còn có thể làm thuần thục một số công việc hằng ngày.
Em Ðỗ Thị Ngọc Mãi chia sẻ: “Ngay từ lúc học mẫu giáo, con đã luyện tập viết chữ, đến năm học lớp 1, con có thể viết và vẽ tranh thành thạo. Con cũng đi thi viết chữ đẹp, vẽ tranh và đoạt được một số giải vòng trường, vòng huyện”.
Em Đỗ Thị Ngọc Mãi (bị dị tật bẩm sinh đôi tay” tại một cuộc thi vẽ tranh về đề tài “Bảo vệ môi trường”. |
Căn nhà “Khăn quàng đỏ” được Hội đồng Ðội huyện U Minh xét tặng cho Ngọc Mãi vào năm 2014. Mặc dù đã giúp gia đình em vượt qua phần nào khó khăn, tuy vậy, cuộc sống vẫn còn rất bấp bênh, phụ thuộc từ số tiền làm thuê ít ỏi của cha em. Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, Ngọc Mãi luôn cố gắng tự lập trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày. Nhiều năm liền em đều là học sinh giỏi toàn diện, là cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh và đạt nhiều thành tích nổi bật khác.
Anh Ðỗ Minh Giỏi, cha em Mãi, cho biết: “Lúc mới sinh bé ra, tưởng lớn cháu không học được. Không ngờ lớn lên Mãi học giỏi, được vậy chúng tôi rất mừng. Gia đình cũng khó khăn lắm nhưng ráng lo cho cháu học, sau này có cái nghề để cháu tự nuôi sống mình”.
Bước vào năm học mới, em Nguyễn Yến Linh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh, cũng nô nức cùng bạn bè đến lớp. Tuy vậy, em đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Cứ mỗi lúc học tập căng thẳng là thân thể Linh có thể bị co giật. Suốt những năm học tiểu học, Linh đều là học sinh giỏi. Nhưng kể từ khi phát bệnh (năm 2012) đến nay, em học tập có phần sa sút do phải thường xuyên nghỉ học để trị bệnh. Nhưng Yến Linh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học giữa chừng.
Em Nguyễn Yến Linh bộc bạch: “Những lúc đi học, bị lên cơn giật, thầy cô với mẹ cũng kêu em nghỉ ít bữa cho bệnh khỏi hẳn. Nhưng em sợ không theo kịp bài nên vừa khoẻ lại là em trở lại lớp học ngay”.
Thiếu vắng tình thương của cha ngay từ lúc chưa chào đời, cuộc sống của 2 chị em Linh phải nhờ vào sự lao động vất vả của mẹ bằng nghề nấu rượu và chăn nuôi heo. Chính vì vậy, Linh đã sớm tự lập. Ngoài dồn sức cho việc học, Linh cũng làm được một số việc phụ mẹ. Thế nhưng, căn bệnh của em có thể tái phát, làm gián đoạn việc học tập, sinh hoạt bất cứ lúc nào.
Cô giáo Huỳnh Hằng Ny, Tổng phụ trách Ðội Trường THCS Nguyễn Thái Bình, cho biết: "Em Linh rất ham học, sau khi vừa khỏi bệnh là em trở lại lớp học ngay. Nghị lực của em rất đáng khâm phục”.
Vượt hơn 10 km mỗi ngày đến trường, đối với một học sinh bình thường có thể là chuyện dễ dàng, nhưng đối với em Danh Thị Lan Phương, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Khánh Lâm thì đây là đoạn đường khá dài. Bởi Phương bị cận đến 15 độ. Mọi sinh hoạt, học tập hằng ngày rất khó khăn. Trên lớp, dù được ngồi bàn đầu, nhưng Phương phải nhờ bạn đọc bài để em có thể ghi chép lại.
Thầy giáo Võ Á Tơ, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Trường THPT Khánh Lâm, cho biết: “Trong học tập, Phương luôn cố gắng vươn lên, dù bị cận rất nặng, bỏ kính ra là em không thấy được gì. Trong những năm học tập tại trường thì em luôn cố gắng đạt được học sinh khá, mong rằng trong thời gian tới em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”.
Phương là người Khmer, gia đình thuộc diện hộ nghèo, anh chị em Phương đông, nhưng nhà lại ít đất sản xuất. Trong quá trình học tập, Phương phải tự mày mò, tìm hiểu. Nhưng em luôn nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Lan Phương đang quyết tâm hoàn thành chương trình cuối cấp và đỗ đại học để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Danh Thị Lan Phương chia sẻ: “Hồi nhỏ em không nghĩ mình bị cận đâu, em chỉ nghĩ là tật thôi. Tới năm lớp 9, em phát hiện mình bị cận nên rất buồn, lúc đó cũng bi quan lắm. Nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, nếu bỏ học thì em rất tiếc nên em tiếp tục cố gắng học tập thật tốt, sau này tự nuôi sống được bản thân”.
Ghi nhận những nỗ lực của các em học sinh bệnh tật, Hội LHTN Việt Nam huyện U Minh vừa tổ chức buổi lễ tuyên dương “Toả sáng nghị lực Việt” nhằm tôn vinh những cá nhân biết vượt lên số phận. Những suất học bổng, những lời động viên phần nào tiếp thêm động lực để các em tiếp tục vươn lên, học tập tốt hơn khi bước vào năm học mới./.
Bài và ảnh: Trần Chương