Cùng chia sẻ thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra với đồng bào miền Bắc, ngoài đóng góp tiền, nhu yếu phẩm, thuốc men… nhiều cá nhân, nhóm, đoàn ở Cà Mau đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy, đến tận nơi hỗ trợ trực tiếp cho bà con. Trong lúc hoạn nạn, khó khăn, càng thấy thân thương hai tiếng “đồng bào”.
Từ ngày 22-26/9, đoàn của Ban Hướng dẫn phật tử (Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau) có chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Bắc. Đoàn do Đại đức Thích Nhuận Trí, Trưởng ban Hướng dẫn phật tử làm trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó ban Hướng dẫn phật tử, Phó ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau, làm phó đoàn. Cùng đi còn có các thiện tín nam nữ, phật tử, các mạnh thường quân, cả thảy 18 thành viên.
Đại đức Thích Nhuận Trí thông tin, trước sự ảnh hưởng nặng nề mà đồng bào một số tỉnh miền Bắc phải gánh chịu, Ban Hướng dẫn Phật tử quyết định tổ chức chuyến đi cứu trợ và vận động các tấm lòng hảo tâm cùng đóng góp. Chỉ trong mấy ngày, con số đóng góp vượt xa dự kiến (dự kiến 400 phần quà, nhưng số đóng góp tăng lên hơn gấp đôi). Trong đó, lượng hàng hoá lên đến hơn 30 tấn.
“Hơn 30 tấn hàng, một con số rất lớn, nhờ các phật tử, nhà hảo tâm, mọi người không ngại vất vả, chung tay vào soạn hàng, phân loại, tuyển chọn, chia số lượng… Cá khô thì 870 kg, phải cắt tỉa gọn rồi phân ra từng phần, từng bọc… Thêm nữa, một doanh nghiệp đã điều hẳn 1 xe container 34 tấn để chở hàng ra Bắc miễn phí. Nếu không có tấm lòng sẻ chia vì đồng bào thì không ai nhiệt tình, chịu vất vả và chịu tốn kém như vậy”, Đại đức Thích Nhuận Trí bày tỏ.
Đoàn đã đến cứu trợ tại 5 điểm vùng xa, vùng sâu thuộc huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà và 4 điểm tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tuỳ tình hình thực tế mà số hàng, tiền hỗ trợ dao động khác nhau; mức thấp nhất với 1 suất hỗ trợ là 400 ngàn đồng tiền mặt và 9 món nhu yếu phẩm, hàng thiết yếu (gạo, mì gói, cá khô, nước mắm, bột ngọt, mùng, mền…). Tổng cộng 915 suất quà được hỗ trợ, tổng trị giá hơn 960 triệu đồng.
Sáng ngày 30/9, tại tỉnh Lào Cai, trong tiết trời se lạnh, sương mù bao phủ, vượt qua những cung đường quanh co của núi rừng, các thành viên đoàn từ thiện Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau (do Ni sư Thích Nữ Diệu Chánh, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau làm trưởng đoàn; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau, làm phó đoàn) đã đến xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, trao 150 phần quà đến đồng bào dân tộc Mông.
“Buổi chiều đoàn đến với huyện Si Ma Cai, đường đi cũng sương mù dày đặc, xe chạy rất chậm, quanh co theo sườn núi đang bị sạt lở, đoàn đến xã Sín Chéng, trao 100 phần quà đến người dân và 120 hộp sữa nước đến các em học sinh tiểu học của xã. Đoàn tiếp tục đến xã Thào Chư Phìn, trao 100 phần quà đến với đồng bào dân tộc nơi này.
Cuối giờ chiều cùng ngày, vượt qua những khó khăn về thời tiết (sương mù, mưa dầm) kèm thêm tình trạng mặt đường trơn, đoàn đã đến xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, trao 150 phần quà cho bà con nơi đây. Kết thúc chuyến, đã trao 1 ngàn phần quà của Ban Từ thiện xã hội và Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Cà Mau, hoàn thành sứ mệnh với phật tử, bà con, các nhà hảo tâm gửi gắm”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Trong đợt này, 8 thành viên đoàn của Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau thực hiện chuyến đi từ 28/9-1/10, trao quà 4 điểm ở tỉnh Lào Cai và 2 điểm ở tỉnh Phú Thọ. Mỗi phần quà gồm 500 ngàn đồng tiền mặt, 10 kg gạo, 1 cái mền bông, 1 túi thuốc gia đình (thuốc cảm, ho, sốt, tiêu chảy và dầu gió), tổng trị giá 1 ngàn phần quà tương đương 900 triệu đồng.
Chia sẻ cùng đồng bào miền Bắc, ngoài vận động hỗ trợ tiền, quà trị giá hơn 150 triệu đồng, Hội Từ thiện người Hoa Phường 2, TP Cà Mau, còn sắp xếp cho xe cấp cứu của hội ra hỗ trợ vận chuyển người và hàng hoá đến các điểm cứu trợ. Tổng cộng có đến 25 ngày tài xế cùng xe thực hiện công việc nghĩa tình này.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết là người tham gia cả hai đoàn cứu trợ, của Ban Hướng dẫn phật tử và Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh, bởi bên nào bà cũng có “vai”. Dù vẫn còn uể oải sau chuyến đi dài, nhưng nhắc lại việc này, ánh mắt và giọng dịu bà vẫn tràn đầy niềm hoan hỉ: “Ra miền Bắc, chúng tôi có thuận lợi là tiếp cận đội xe tình nguyện "0 đồng" của Lào Cai. Các bạn rất tuyệt vời! Các bạn còn trẻ, tuổi khoảng 30 tới 45, đều là chủ các doanh nghiệp. Đội xe của các bạn có 7-8 xe bán tải 2 cầu và 3-4 tải để chở hàng. Từ chỗ tập kết hàng ở Lào Cai đi các điểm hỗ trợ, có điểm xa hàng trăm cây số, rồi từ điểm này qua điểm kia thấp nhất cũng 60-70 cây số. Đi đường đèo núi rất nguy hiểm, cũng nhờ các bạn đích thân cầm lái để đưa chúng tôi đi. Trên đường đi các bạn vừa phải điều hành công việc công ty, vậy mà vẫn hết sức nhiệt tình, sẵn sàng phục vụ chúng tôi suốt những ngày đi cứu trợ”.
Trong 2 đợt đi phát quà, đường đèo núi vẫn còn ám ảnh bà. “Xã Nậm Khánh của huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, nằm tuốt trên đỉnh núi cao, khó đi cực kỳ! Đường đi nhiều đoạn sạt lở, bên này là núi đang sạt lở, bên kia là vực thẳm, rồi thêm sương mù. Leo lên núi tới xã chỉ khoảng 15-20 cây mà đi gần 2 tiếng đồng hồ. Các bạn tình nguyện viên có nói trước, đường đi rất khó khăn, bởi vậy ít ai dám tới. Càng khó khăn, ít người đến thì mình càng muốn vô để giúp bà con. Ban đầu một số thành viên cũng lưỡng lự, nhưng cuối cùng chúng tôi quyết đi. Mừng là đã đem được quà tới cho bà con. “Mình mang được quà, mang tấm lòng của bà con mũi Cà Mau đến trao tận tay đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc, cảm thấy thật vui và hạnh phúc vô cùng!”, bà Tuyết kể trong niềm xúc động.
Bà chùng giọng, xót xa: “Bà con ở đây khó khăn vô cùng, bị lũ lụt cuốn trôi hết đồ đạc, sắm lại với họ là cả vấn đề. Mặc dù giá trị các món đồ không lớn, chỉ là chén đũa, xoong nồi, vật dụng… nhưng bà con nghèo lắm, lại đường đi rừng núi rất khó khăn, không thấy chợ búa, tiệm quán gì, muốn mua sắm cũng không hề dễ”.
“Ngoài được hỗ trợ xe đưa đến điểm cứu trợ (mà nếu tự túc cũng phải mất mấy chục triệu đồng, nhưng không chắc gì ai chịu chở), chúng tôi còn được chủ một khách sạn 2 sao (có 50 phòng) ở Lào Cai phát tâm cho các đoàn từ thiện ở miễn phí hết. Thật là một chuyến đi nhiều cảm xúc, nghĩa tình, ấm áp”, bà Tuyết tỏ bày.
Đại đức Thích Nhuận Trí cũng chia sẻ: “Chúng tôi chọn những điểm vùng sâu, vùng xa, ít người tới để hỗ trợ bà con. Bên cạnh hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại, chúng tôi hỗ trợ luôn các hộ khó khăn, vì không dễ gì có điều kiện lên đây được. Quà của đoàn, bà con trân trọng lắm, bởi những thứ rất thiết thực, đặc biệt có cá khô, bà con thích lắm. Biết mọi người phải đi bộ đường rừng núi tới điểm nhận quà, chúng tôi chuẩn bị luôn cả 800 túi xách được cắt từ các bao, may quay, cho bà con đựng quà, tiện mang về…”.
“Còn nói về đường đi thì vô cùng gian nan, nguy hiểm. Nếu không có tình nghĩa đồng bào thôi thúc thì chắc chắn không bao giờ ai dám mạo hiểm”, thầy Trí khẳng định.
Về tới là bắt tay vô việc chở cứu thương, anh Trần Thiện Tâm, lái xe cấp cứu cho Hội Từ thiện người Hoa, Phường 2, TP Cà Mau, thông tin vắn tắt, trong số 150 triệu đồng tiền, quà mang ra, anh giúp được 5 hộ bị sập nhà, mỗi hộ 10 triệu đồng; những hộ ảnh hưởng, tuỳ mức độ mà có mức hỗ trợ khác nhau.
“Tôi đi cùng nhóm thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh, ngoài hỗ trợ quà cho bà con, chúng tôi làm tình nguyện viên hỗ trợ đưa các đoàn đi cứu trợ. Gian nan, nguy hiểm, nhưng mang được hàng hoá vô tới chỗ bà con bị thiệt hại, cảm thấy rất vui. Bà con mừng lắm. Có chỗ bà con không có gạo ăn, phải nấu lá cây ăn. Có những chỗ không đi được xe lớn thì chúng tôi mướn 10 xe máy chở hàng vô cho bà con. Đường đi sạt lở, mưa lầy lội, rất gian nan, nhưng ai cũng thể hiện quyết tâm và động viên nhau cùng cố gắng”, anh Tâm bộc bạch.
“Chúng tôi cứu trợ và phục vụ hai tỉnh là Lao Cai, yên Bái. Cả hai điểm này đều được các khách sạn cho ở miễn phí, ăn miễn phí luôn. Dọc đường ra Bắc thì có những quán cơm ngoắt mình vào ăn uống không tính tiền. Mình đi giúp đỡ bà con, có người hỗ trợ, san sẻ với mình, thấy cũng ấm lòng. Người dân mình, dù dân tộc nào, miền nào, khi khó khăn hoạn nạn thì đều chia sẻ, tương trợ nhau, đâu ai bỏ ai, phân biệt ai đâu!”, anh Tâm cảm động.
Quả đúng như lời anh Tâm, chính sự quan tâm, san sẻ, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái không phân biệt tôn giáo, dân tộc, vùng miền ấy là nghĩa đồng bào, là cội nguồn làm nên sức mạnh Việt Nam.
Trang Thăm