ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 02:18:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngọn cờ của Ðảng ở cực Nam Tổ quốc

Báo Cà Mau (CMO) Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng với cả nước, Nhân dân Cà Mau đã nung nấu ý chí căm thù, đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm. Dù ít nhiều gây được tiếng vang, nhưng các cuộc nổi dậy nói chung đều rơi vào thế bế tắc, bị giặc đàn áp, khủng bố. Yêu cầu của lịch sử, của thời đại chính là có một con đường đúng đắn để soi rọi cho toàn dân tộc kề vai sát cánh để đòi lại tự do, độc lập. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện kỳ diệu, như vầng dương chân lý thời đại, là cội nguồn của mọi thắng lợi cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chuẩn bị hết sức chu đáo cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức. Chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cách mạng vô sản, với sức mạnh của lực lượng công - nông đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng Cộng sản Việt Nam để giành lại độc lập dân tộc chính là những vấn đề cốt lõi nhất, mục tiêu cao nhất, ý nghĩa thiêng liêng nhất, con đường đúng đắn nhất cho dân tộc Việt Nam.

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Dù chưa phải là tư cách của chính đảng cộng sản, nhưng tổ chức này chính là tiền thân dẫn tới sự ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ở vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên tại thị trấn Cà Mau được thành lập, do đồng chí Ðào Hưng Long làm Bí thư. Chi hội đã mở cửa hiệu sách, báo lấy tên là “Hồng Anh Thư Quán” và tiệm cơm “Ðồng Tâm”, mà mục tiêu là cơ sở để tập hợp, vận động, giáo dục lòng yêu nước trong quần chúng Nhân dân, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tháng 1/1930, Ðặc uỷ Hậu Giang do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư đã trực tiếp về Cà Mau kết nạp 4 hội viên ưu tú của Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh, Tăng Văn Hai và Phạm Ngọc Cừ vào An Nam Cộng sản Ðảng và thành lập chi bộ đảng đầu tiên của thị trấn Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ, đồng chí Lâm Thành Mậu làm Bí thư. Sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, Chi bộ Ðảng thị trấn Cà Mau đổi tên thành Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời tiến hành các hoạt động chào mừng bằng hình thức treo cờ, băng khẩu hiệu và rải truyền đơn ở nhiều nơi. Ðây cũng là lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại Cà Mau cùng với các khẩu hiệu: “Ðảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Ðả đảo đế quốc Pháp”, “Ðông Dương độc lập muôn năm”... Những sự kiện này gây chấn động tại vùng đất Cà Mau, giành được cảm tình to lớn của Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên.

Tại vùng Cà Mau - Bạc Liêu, ngay trước sự kiện thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/1930, Chi bộ của An Nam Cộng sản Ðảng cũng đã ra đời tại xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai (xã Long Ðiền, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu ngày nay). Sau đó, Chi bộ Ðảng Phong Thạnh cũng đổi tên thống nhất là Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nhân sự kiện Quốc tế Lao động 1/5/1930, Chi bộ Ðảng Phong Thạnh cũng đã dùng các hình thức treo cờ búa liềm của Ðảng, giăng biểu ngữ, băng rôn và rải truyền đơn nhiều nơi thuộc tỉnh Bạc Liêu ngày nay.

Tiệm sách, báo Hồng Anh Thư Quán do Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở thị trấn Cà Mau lập ra - tổ chức tiền thân dẫn tới sự ra đời của các chi bộ đảng ở Cà Mau, nay là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Cà Mau cho thế hệ trẻ.

Ðến tháng 10/1930, Chi bộ Ðảng xã Tân Thành được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Uông, Châu Văn Lục, Trần Văn Tiển, do đồng chí Nguyễn Văn Uông làm Bí thư. Sự ra đời của Chi bộ Ðảng Tân Thành có công lao lớn của đồng chí Lâm Thành Mậu. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Tân Thành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập hợp đông đảo quần chúng Nhân dân vào các tổ chức như: Nông hội đỏ, Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội đá banh, Hội âm nhạc... Như vậy đến tháng 10/1930, vùng đất Cà Mau - Bạc Liêu đã thành lập được 3 Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam, trở thành nòng cốt trong việc lãnh đạo cách mạng địa phương, nhận được sự tín nhiệm và đồng thuận to lớn của Nhân dân.

Nói về sự kiện lá cờ Ðảng đầu tiên xuất hiện tại Cà Mau, ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau, tự hào: “Có ai ngờ, sáng ngày 3/2/1930, tại thị trấn Cà Mau, Nhân dân nơi đây đã chứng kiến lá cờ Ðảng phất phới bay trên sợi dây thép căng ngang sông Cà Mau, tại bến đò kênh Mười Sáu ngày xưa”. Ðây cũng là sự kiện chào mừng, để Chi bộ Ðảng thị trấn Cà Mau chính thức mang trên mình vinh quang, sứ mệnh lịch sử đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Sự kiện chào mừng sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra hết sức sôi nổi, với tinh thần cách mạng tiến công của những đảng viên thuộc chi bộ đảng đầu tiên ở Cà Mau. Các đồng chí đảng viên khắc phục mọi khó khăn, rải truyền đơn ở nhiều nơi như: bến xe, nơi họp chợ, chỗ đông người... dưới sự kiểm soát, truy lùng gắt gao của giặc. Ở những nơi kín đáo, các đồng chí đảng viên viết từng câu khẩu hiệu: “Ðảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”, “Ðả đảo đế quốc Pháp” dán lên góc tường, nơi nhiều người qua lại nhằm tạo sự chú ý, thu hút của quần chúng Nhân dân. Dù giặc và bè lũ tay sai tìm mọi cách ngăn chặn không cho đồng bào ta đến gần nơi treo cờ, nhưng bà con vẫn tìm mọi cách lấy cớ qua đò sang sông để được tận mắt nhìn rõ lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên sông Cà Mau.

Ðến ngày 1/5/1930, nhân Ngày Quốc tế Lao động, một số thanh niên yêu nước tại Cà Mau tự bỏ tiền mua nước sơn, vải đỏ, bí mật vẽ cờ đỏ búa liềm của Ðảng treo trên cây dương tại đình Tân Hưng (nay thuộc xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau). Ðiều đặc biệt là lá cờ đề tên lót của 3 thanh niên yêu nước, dũng cảm là “Ngọc - Ðức - Thế” (tức các đồng chí: Nguyễn Ngọc Hương, Nguyễn Ðức Cao và Lương Thế Trân). Không chỉ vậy, lá cờ Ðảng còn được tô thắm thêm lòng yêu nước, căm thù giặc ngút trời qua khẩu hiệu “Diệt trừ Pháp tặc”.

Sự xuất hiện của lá cờ Ðảng tại Cà Mau là sự kiện độc đáo trong lịch sử cách mạng tỉnh nhà, chứng tỏ bước trưởng thành to lớn, sự giác ngộ cao độ, sự tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà Bác Hồ và Ðảng lựa chọn. Từ đây, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, đúng đắn, sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Ðảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không chỉ hoàn thành sứ mệnh giành lại độc lập, thống nhất đất nước, mà còn là kim chỉ nam, là niềm tin bất diệt để tiến lên xây dựng quê hương phồn vinh trong thời kỳ hội nhập, phát triển; viết tiếp những trang sử vàng trong thời đại Hồ Chí Minh./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Liên kết hữu ích

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII

Sáng 11/4, Trung ương làm việc tại hội trường. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Mong muốn đồng bào Khmer tiếp tục đoàn kết, tích cực thi đua yêu nước

Chiều 11/4, lãnh đạo tỉnh tiếp tục tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại các điểm chùa và đơn vị có viên chức, người lao động là người dân tộc Khmer đang công tác.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.

Phát huy trách nhiệm học tập suốt đời

Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, để kịp thời cập nhật và thích ứng với sự chuyển đổi nhanh của xã hội, đòi hỏi mọi cá nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng học tập nâng cao năng lực, kỹ năng, hướng đến thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình. Ðối với cán bộ, đảng viên, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, học tập suốt đời trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Từ bưng biền ra chợ

…Tình hình chiến sự khắp nơi vọng về, càng làm cho nắng tháng Tư nóng thêm. Ngày 10/3/1975, ta đánh chiếm Buôn Mê Thuột; ngày 29/3/1975, Ðà Nẵng được giải phóng; 31/3 tới Bình Ðịnh, cơ quan Dân y với mật danh là Mười Dân đang đứng chân ở Vườn Tre, cách ngã ba Cái Ðuốc - kinh Ông Ðơn không xa, ai nấy đều náo nức, cảm thấy mình ở quá xa mặt trận.

VƯƠN MÌNH TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Cuộc thi chính luận sẽ thành công rực rỡ hơn nữa

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Năm nay, cuộc thi nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thường trực Tỉnh uỷ, khi tổ chức Hội nghị phát động cuộc thi bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 101 điểm cầu trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Ðức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi.

“Giềng mối” cho công tác dân tộc, tôn giáo

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban Dân tộc tỉnh và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ; chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2025. Lần đầu tiên, một “giềng mối” cấp sở đã chính thức, chính danh đảm nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở 2 lĩnh vực quan trọng là dân tộc và tôn giáo ở cấp địa phương.