“Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc lại với tất cả các chủ đầu tư để làm rõ từng nguyên nhân cụ thể cho từng dự án, kèm theo là giải pháp thực hiện. Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm với UBND tỉnh về tiến độ thực hiện”, đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi trong phiên họp kiểm điểm chỉ đạo điều hành kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của UBND tỉnh, ngày 4/9.
Cùng chủ trì hội nghị còn có các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Sử, Nguyễn Minh Luân. Tham dự hội nghị còn có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với nhận định, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh 8 tháng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so cùng kỳ như: tổng sản lượng thuỷ sản tăng 1,4%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp luỹ kế tăng 3,8%; sản xuất công nghiệp được phục hồi và sản lượng ngày càng tăng…
Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến kết quả triển khai Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau; kế hoạch thực hiện cao điểm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh và công tác chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch cao điểm chống khai thác IUU của UBND tỉnh, đến 30/9 thực hiện hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả tàu “3 không”, tàu hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép. (Ảnh chụp ngày 28/5/2024).
Theo đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các đơn vị, địa phương có liên quan đã tổ chức tuyên truyền được 12.826 cuộc với 354.961 lượt người tham dự. Từ công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp 1.618 bộ dụng cụ kích điện; đồng thời, tịch thu và chỉ đạo tiêu huỷ 507 bộ dụng cụ kích điện. Các địa phương đã vận động 65.228 hộ dân ký cam kết “Không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thuỷ sản ở tất cả các vùng nước”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 17, như: đặc thù một số địa phương có địa bàn rộng, hệ thống sông, kênh, rạch nhiều, trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ quá ít và phương tiện phục vụ công tác này chưa được trang bị kịp thời; cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt nguồn lợi chuyển sang nghề phù hợp, thân thiện với môi trường còn chậm, hạn chế về kinh phí.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, tỉnh sẽ tập trung lực lượng hỗ trợ địa phương trong triển khai giải pháp chống khai thác IUU theo kế hoạch cao điểm, trong đó lấy Sông Đốc làm điểm trọng tâm.
Ông Vũ cho biết, ranh giới trên biển với một số nước chưa được phân định rõ ràng; từ đó, một số trường hợp thuyền trưởng khẳng định đang khai thác ở vùng biển Việt Nam hoặc tại các khu vực biển chồng lấn, vùng nước lịch sử (có dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá) vẫn bị lực lượng chấp pháp nước ngoài khống chế, áp giải về vùng biển của họ để xử lý. Ngoài ra, quy mô và số lượng cảng cá chỉ định chưa đáp ứng được nhu cầu cập, rời cảng để bốc dỡ sản phẩm thuỷ sản khai thác phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc.
Tại hội nghị, UBND tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện cao điểm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 5-30/9/2024. Kế hoạch này phân công chi tiết nhiệm vụ cho từng đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương. Trong đó, tập trung hoàn thành nhiệm vụ số hoá từng phương tiện thuộc nhóm nguy cơ cao; thực hiện hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả tàu “3 không”, tàu hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép; xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm hình sự, vi phạm hành chính liên quan đến IUU.
Trần Văn Thời là huyện có đội tàu lớn nhất tỉnh. Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện cho biết, theo kế hoạch này, UBND huyện cử lực lượng hỗ trợ từng xã, thị trấn thực hiện số hoá, duy trì số hoá, đảm bảo 1 cán bộ của huyện, xã chỉ chịu trách nhiệm khoảng 5 tàu cá thuộc nhóm nguy cơ cao. Toàn huyện hiện có 1.253 tàu thuộc nhóm nguy cơ cao, vậy phải cần đến 250 cán bộ. Như nếu một số địa phương có đội tàu nhỏ thì đảm bảo, còn nơi có đội tàu đông như Sông Đốc thì rất khó.
Một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm là 83,85 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 61,85 km, sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50 m, có những nơi lên đến 50-80 m; sạt lở nguy hiểm với chiều dài 22 km, bình quân từ sạt lở 20-40 m mỗi năm.
Riêng khu vực nội đồng, tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425 km trong tổng số 8.118 km toàn tỉnh. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km, chủ yếu xảy ra ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi; sạt lở nguy hiểm có chiều dài khoảng 305 km. Theo ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã thiệt hại về tài sản hơn 2 tỷ đồng do sạt lở bờ sông.
Sụt lún vùng ngọt hoá thời gian qua vô cùng nghiêm trọng. Mùa khô vừa qua đã có trên 700 điểm sụt lún làm hư hỏng gần 20 km đường nông thôn, trên 2.600 hộ gia đình gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt… Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 28 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 78 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 2.779 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện 25,6 km, với kinh phí 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng được 9,2 km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện khoảng 391 tỷ đồng.
Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi. (Ảnh chụp ngày 14/12/2023)
Ông Vũ đề xuất, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí cho Cà Mau thực hiện 3 dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp bờ biển Đông với tổng chiều dài 20.940 m, với số tiền 1.300 tỷ đồng và 17,5 tỷ đồng để tiếp tục sửa chữa, khôi phục hệ thống công trình bị sụt lún.
Công tác chuẩn bị năm học mới cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, mọi công tác chuẩn cho năm học mới đã sẵn sàng để đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào 7 giờ 30 phút ngày 5/9.
Kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo, cần phải tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chủ động rà soát lại từng nhiệm vụ được giao và chủ động có giải pháp thực hiện cụ thể. Tiếp tục tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng dụng cụ khai thác mang tính huỷ diệt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ngay quy định mắc lưới cho từng loại thuỷ sản, từng bước chuyển dần ý thức của người dân từ cá nhỏ sang cá lớn. Quán triệt trước tiên là trong cán bộ đảng viên không sử dụng sản phẩm từ cá non. Đối với IUU, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và trong thời gian này không để phát sinh mới các trường hợp vi phạm. Hiện nay đã có đầy đủ các giải pháp tư Trung ương đến tỉnh nên chỉ còn lại là triển khai thực hiện. Các địa phương tính toán lại toàn bộ các công trình, dự án và những hoạt động của người dân để kiểm soát nguy cơ sạt lở cũng như tìm nguồn lực để triển khai thực hiện.
Nguyễn Phú