ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 04:54:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người thương binh nặng lòng với lịch sử địa phương

Báo Cà Mau (CMO) Tuổi trẻ và một phần cơ thể đã bỏ lại chiến trường, khi hòa bình lập lại tiếp tục dốc hết tâm trí để xây dựng quê hương. Giờ đây ở cái tuổi xế chiều, nhưng ông cũng không ngơi nghỉ mà tiếp tục góp phần sức lực còn lại để viết lên những trang sử hào hùng của xứ sở. Đó là cuộc đời của người thương binh hạng 2/4 Cao Minh Tiến (bí danh Năm Tiến), ngụ Khóm 8, phường 5, thành phố Cà Mau.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Năm Căn đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh còn ác liệt, ngay từ nhỏ lòng yêu nước của chàng thanh niên Cao Minh Tiến đã trở nên cháy bỏng. Chính tình yêu dành cho quê hương xứ sở đã thôi thúc người thanh niên ấy tham gia vào lực lượng bộ đội địa phương của huyện Duyên Hải khi vừa bước qua tuổi 18. Đến nay khi được hỏi trong khoảng thời gian tham gia cách mạng đã cùng đồng đội tiến hành bao nhiêu trận đánh thì chỉ nhận được câu trả lời vô cùng hiền hòa và mộc mạc: “Đâu có để ý mà nhớ, không riêng bản thân tôi mà hầu như toàn bộ anh em đều không thể nhớ được, chỉ biết địch đến là đánh, có lệnh là hành quân thôi”.

Để có được những Huân, Huy chương cao quý này, ông Cao Minh Tiến đã phải đổi bằng tuổi trẻ, trí lực và cả một phần cơ thể.

Dấu ấn những “vết chân tròn”  

Sau nhiều cuộc đối đầu với địch, trong trận đánh tại Đồn Cầu Sắt (nay là khu vực chợ nông sản huyện Năm Căn) chàng thanh niên mang trong mình nhiệt huyết của tuổi đôi mươi đã bỏ lại chiến trường một phần thân thể của mình. Bị thương mất đi chân phải những tưởng sẽ phải giải ngũ, kết thúc sự nghiệp làm cách mạng, thế nhưng với ý chí và lòng yêu nước, yêu quê hương cháy bỏng của mình, người thương binh ấy lại lui về hậu cứ, tiếp tục cống hiến sức mình cho cuộc chiến giải phóng quê hương. Sau hơn 6 tháng điều trị, dù không thể trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhưng ông Năm Tiến vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò văn thư của Văn phòng Huyện đội, rồi tham gia Tổ tham mưu chính trị và hậu cần đến ngày sau giải phóng.

Ông Cao Minh Tiến (người thứ 4 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm trong chuyến công tác.

Hơn 55 năm phục vụ cách mạng, kinh qua nhiều vị trí khác nhau như: Bí thư xã; Chuyên viên văn phòng UBND huyện; Phó và Trưởng Ban tuyên giáo huyện, Giám đốc trường Đảng; Trưởng Ban Tổ chức của huyện; Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; Phó bí thư Thường trực huyện Ngọc Hiển (nay là 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển) cho đến năm 2004 thì về hưu. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào người thương binh 2/4 này vẫn cống hiến hết sức lực của mình cho quê hương xứ sở.

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng những mất mát, đau thương của nó để lại là không có gì bù đắp được. Dù mọi sinh hoạt hàng ngày phải gắn liền với chiếc chân giả, nhưng mọi khó khăn ấy trong công việc và cuộc sống đều được ông Năm Tiến vượt qua bằng một nghị lực phi thường của người lính bộ đội cụ Hồ. Những “Vết chân tròn” của người thương binh này đã gần như nhẵn dấu trên vùng Năm Căn, Ngọc Hiển.

Những thành tựu mà vùng đất phù sa này đã đạt được hôm nay có một phần không nhỏ những chiến tích hào hùng của những con người trở về từ khói lửa chiến tranh như ông Năm Tiến. “Khi đó làm việc có lương bổng gì đâu, có tháng được hơn chục ký gạo, có tháng cũng không có gạo, chủ yếu là rau rừng, ba khía, mắm muối qua ngày!”, ông Tiến nhớ lại.

Mãi sáng lửa nhiệt huyết

Ngay cả khi đến tuổi về hưu tình yêu và sự cống hiến cho quê hương của người thương binh Cao Minh Tiến cũng không vơi đi. Không còn tham gia các cơ quan Đảng, Nhà nước tại địa phương, ông Tiến lại tiếp tục đóng góp phần sức lực còn lại bằng cách tham gia biên soạn, biên tập lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Hai cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Năm Căn và Ngọc Hiển giai đoạn từ năm 1930 – 2010 dày hơn 200 trang là một phần công sức của ông và tập thể.

Ông Cao Minh Tiến bên những cuốn lịch sử Đảng bộ và Kỷ yếu của hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiên mà ông đã gầy công viết nên.

Để đủ tư liệu, chính người thương binh già này phải bôn ba hơn 1 năm đến khắp các tỉnh miền Tây để tìm kiếm, sưu tầm. Ông Tiến bộc bạch: “Do trải qua rất nhiều giai đoạn và nhiều lần tách nhập và đổi tên nên để có tư liệu chính xác cũng vô cùng khó khăn, phải tìm đến các cô, chú thế hệ trước, có những người đã không còn ở địa phương nên phải lên tới Quân khu 9, đi các tỉnh để tìm tư liệu”.

Chứng kiến sự bôn ba của ông với một chiếc chân giả, bà Lư Thị Tới - người vợ “đầu ấp tay gối” của ông nhiều lúc rất xót xa. Thế nhưng, cũng vì thương, hiểu việc làm của chồng nên bà cũng bấm bụng mà ủng hộ, bà Tới tâm sự: “Có nhiều đêm ổng tự nhiên nhớ cái chuyện gì là thức dậy một mình cặm cụi, ghi ghi, chép chép, lớn tuổi rồi nhớ gì là phải ghi cái đó liền, nếu không sẽ quên. Thấy cũng cực, nhưng đó là công việc mang lại niềm vui cho ổng nên tôi cũng đành chịu!”.

Với lòng nhiệt huyết, am hiểu lịch sử địa phương, ông Năm Tiến vẫn luôn muốn cống hiến phần sức lực của mình vào sự phát triển của lịch sử địa phương. Ông Lý Hoàng Tiến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển chia sẻ: “Trong quá trình khai thác thông tin, sưu tầm tư liệu, biên tập bản thảo, chú Năm luôn có tinh thần trách nhiệm cao, cẩn trọng, tỉ mỉ, chịu khó, đề cao tính Đảng, tính chính xác, khoa học của công trình, phản ánh đầy đủ, toàn diện, chân thực và sinh động từng sự kiện lịch sử Đảng bộ địa phương qua các giai đoạn, các công trình đã được xuất bản và đạt chất lượng. Đây là tài liệu quý giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến cao quý của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà trong suốt quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển huyện Ngọc Hiển anh hùng”.

 

Vợ chồng ông Cao Minh Tiến trong một lần thăm Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngoài các công trình này, ông Năm Tiến còn tham gia biên soạn lịch sử của các ngành tại địa phương, trong đó phải kể đến là Lịch sử Ban chỉ huy Quân sự của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển.

Dù giờ đã qua tuổi 75, nhưng ở người đảng viên đã 55 tuổi Đảng vẫn còn tràn đầy lửa nhiệt huyết khi chia sẻ: “Mấy đứa em ở xã mới nhờ tham gia tiếp tục viết Lịch sử Đảng bộ xã!”. Chia sẻ tưởng chừng như đơn giản ấy lại ẩn chứa lửa nhiệt huyết của người thương binh luôn nặng lòng với lịch sử địa phương như ông Cao Minh Tiến. Đối với ông còn sức là còn cống hiến, để những “vết chân tròn” mãi còn in trên từng trang lịch sử hào hùng của vùng đất anh hùng.

Với những đóng góp của mình cả trong chiến tranh cũng như thời bình, ông Cao Minh Tiến đã danh dự được phong tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý của Nhà nước. Tiêu biểu là Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất của Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam vào năm 1975; Huân chương kháng chiến hạng Nhì của Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Huân Chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước năm 2010;…

 

Nguyễn Phú - Lê Chí

 

 

         

 

 

 

Liên kết hữu ích

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII

Sáng 11/4, Trung ương làm việc tại hội trường. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Mong muốn đồng bào Khmer tiếp tục đoàn kết, tích cực thi đua yêu nước

Chiều 11/4, lãnh đạo tỉnh tiếp tục tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại các điểm chùa và đơn vị có viên chức, người lao động là người dân tộc Khmer đang công tác.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.

Phát huy trách nhiệm học tập suốt đời

Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, để kịp thời cập nhật và thích ứng với sự chuyển đổi nhanh của xã hội, đòi hỏi mọi cá nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng học tập nâng cao năng lực, kỹ năng, hướng đến thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình. Ðối với cán bộ, đảng viên, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, học tập suốt đời trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Từ bưng biền ra chợ

…Tình hình chiến sự khắp nơi vọng về, càng làm cho nắng tháng Tư nóng thêm. Ngày 10/3/1975, ta đánh chiếm Buôn Mê Thuột; ngày 29/3/1975, Ðà Nẵng được giải phóng; 31/3 tới Bình Ðịnh, cơ quan Dân y với mật danh là Mười Dân đang đứng chân ở Vườn Tre, cách ngã ba Cái Ðuốc - kinh Ông Ðơn không xa, ai nấy đều náo nức, cảm thấy mình ở quá xa mặt trận.

VƯƠN MÌNH TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Cuộc thi chính luận sẽ thành công rực rỡ hơn nữa

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Năm nay, cuộc thi nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thường trực Tỉnh uỷ, khi tổ chức Hội nghị phát động cuộc thi bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 101 điểm cầu trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Ðức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi.

“Giềng mối” cho công tác dân tộc, tôn giáo

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban Dân tộc tỉnh và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ; chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2025. Lần đầu tiên, một “giềng mối” cấp sở đã chính thức, chính danh đảm nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở 2 lĩnh vực quan trọng là dân tộc và tôn giáo ở cấp địa phương.